Freitag, 20. September 2013

Niệm Phật Thành Phật - Phần 1



"Chính vì không thể bàn kiến đó nên chúng ta dễ sanh lòng hoài nghi và phủ nhận. Đức Thế Tôn đã nhìn ra điều đó, vì vậy Ngài mới nói: Trong cái thế giới ngũ trược ác thế này mà Ta (Đức Phật) nói ra Pháp môn Tịnh Độ – Cõi Cực Lạc của Đức Phậ A Di Đà - thật là khó tin và là điều khó vô cùng..."



Huệ Tâm

Rất nhiều người bảo: Chúng ta sanh ra trong cõi Ta bà này, chúng ta quy y Phật (Phật Thích Ca), nhưng chúng ta lại không nguyện về cõi của Ngài mà lại nguyện về một cõi cách chúng ta tới mười muôn ức cõi (cõi Tịnh Độ), làm thế chẳng phải là nghịch đạo, là hão huyền lắm sao? 

Sẽ có nhiều cách để lý giải (trả lời) vấn đề này, nhưng HT chỉ xin lấy một cách lý giải đơn giản nhất: Tại sao Phật Thích Ca không khuyên chúng ta – những chúng sanh thời mạt pháp nên nguyện về cõi của Ngài? Và tại sao ngay cả các bậc pháp thân Đại sĩ (Quán Thế Âm; Đại Thế Chí; Phổ Hiền; Văn Thù và ngay cả các đệ tử của Phật) cũng đều nguyện về Tịnh Độ?

Chúng ta đều biết, trong tất cả các pháp mà Đức Thế Tôn diễn, nói đều không phải do Đức Thế Tôn tự nhiên nói ra, ngược lại đều có, xuất phát từ những nhân duyên thù thắng của nó. Nghĩa là: đều do các bậc Pháp thân Đại sĩ, các đệ tử, hay các Phật tử  vì muốn hoá độ chúng sanh, vì nghi ngờ, vì thương xót chúng sanh thời mạt pháp… mà đặt, hay đem những câu hỏi, những vấn đề không thể giải đáp để hỏi Đức Thế Tôn. Và Đức Thế Tôn cũng vì muốn xoá tan sự thắc mắc, nghi ngờ của các Đệ tử và xa hơn là vì lòng đại bi không ngằn mé với chúng sanh thời mạt pháp sau này mà Ngài đã đem những pháp môn thiện xảo nhất (84.000 pháp môn) của Tam Thế Chư Phật để thuyết giảng, hòng đánh tan sự mê mờ, hoài nghi của chúng sanh, giúp cho mọi chúng sanh đều được phá mê khai ngộ, minh tâm kiến tánh, lìa khổ được vui, chuyển phàm thành Thánh… 

Một trong những pháp môn (phương tiện) thù thắng nhất hợp với căn cơ của thời đại chúng ta nhất – thời mạt pháp - đó là pháp môn Tịnh Độ hay còn gọi là Pháp môn Niệm Phật.
Thông thường trong tất cả pháp mà Phật thuyết đều có duyên khởi, nghĩa là có một bậc Pháp thân Đại sĩ , hoặc có một đệ tử, hay đại chúng thắc mắc, nghi vấn hay có những suy kiến sai lầm… lúc ấy Đức Thế Tôn sẽ vì thương xót, vì giúp họ được minh kiến mà khai giải. Nhưng duy nhất Pháp môn Tịnh Độ là do Đức Thế Tôn tự nói ra. Đây cũng chính là lý do khiến cho rất rất nhiều người trong chúng ta luôn, hoặc tỏ ra hoài nghi về những điều Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết trong Tịnh Độ Kinh. 

Nói đến Tịnh Độ Kinh như chúng ta đều biết, Tịnh Độ Kinh gồm 3 bộ kinh chính: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh; A Di Đà Kinh và Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Ở đây HT chỉ đi sâu đôi chút vào tiểu bộ Kinh đó là: Kinh A Di Đà. 

Nhân duyên lớn nhất và quan trọng bậc nhất để Đức Thế Tôn nói Tịnh Độ Tam Kinh, trong đó Kinh A Di Đà (tiểu bộ kinh) là xuất phát từ lòng đại bi vô hạn lượng đối với chúng sanh thời mạt pháp sau này. Bởi theo dòng lịch sử và những gì chư Tổ dạy thì thời của chúng hiện giờ - thời mạt pháp – Chánh pháp của Phật bị mai một; thời ngũ trược ác thế; thời của phước mỏng, nghiệp dày; con người chỉ còn lo sống trong dục lạc thế gian, vì thế mà chân tánh (tự tánh Phật) cũng bị vô minh che lấp, mê mờ… Đây là nhân duyên lớn nhất mà Đức Thế Tôn đã nhìn thấy được, và vì lòng bi từ vô ngại của Ngài mà Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết ra những bộ kinh pháp này. 

Khi đọc những bộ kinh này, nếu chúng ta không khởi được lòng tin, tất sẽ phát sinh những dị kiến, phán đoán, hay miệt phê… và cho những gì Đức Thế Tôn nói là vô lý, hoang đường; hoặc đó không phải là những điều Đức Thế Tôn nói, mà do những bậc Tôn Túc sau này (sau thời Đức Thế Tôn nhập diệt) đã nghĩ ra, quảng bá hay để huyễn hoặc pháp môn của mình… Những nhận định mang tính chủ quan hay phiến diện trên cũng là điều tất yếu, bởi ngay trong A Di Đà Kinh khi Đức Thế Tôn nói về cảnh giới Cực Lạc của Phật A Di Đà thì sáu phương chư Phật cũng từng nói: „Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm được việc rất khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta-bà đời ác năm món trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược trung mà Ngài chứng được ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài vì các chúng sanh nói kinh pháp mà tất cả thế gian khó tin này“. Đức Thế Tôn còn nói thêm: „Xá Lợi Phất! Phải biết rằng ta ở trong đời ác ngũ trược thật hành việc khó này: Đặng thành bậc Vô Thượng Chánh Giác và vì tất cả thế gian nói kinh pháp khó tin này, đó là rất khó!“.

Tại sao Đức Thế Tôn nói kinh pháp đó là khó tin? Và Ngài lại nói kinh Tịnh Độ nói ra là rất khó? Nguyên nhân chính là tư lương của con người thời nay không còn như xưa nữa (như thời Đức Thế Tôn còn tại thế và sau khi Ngài nhập diệt 2000 năm sau). Nghĩa là con người của thời nay như trên đã đề cập: sống trong tham dục, phước mỏng, nghiệp dày, căn cơ thấp kém… vì thế khi được nghe kinh này, chắc chắn sẽ sanh lòng cười, chê hay nghi ngại… Điều này thực tế đã cho thấy và có rất nhiều điều vấn loạn về pháp môn Tịnh Độ. Ví thử: Lấy đâu ra một cõi mà không làm gì cũng có phước, có ăn, có hưởng dụng theo nhu cầu? Lấy đâu ra một cõi mà cây cối, nhà cửa, lầu gác, đường, ao… đều được trang hoàng bằng sáu thứ chân báu: vàng, bạc, pha lê, xa-cừ, xích châu, mã não như vậy? Cõi Phật là cõi của sự giải thoát, xa lìa dục lạc, nhưng trong cõi mà Đức Thế Tôn nói ra lại thấy hiện lên toàn những cảnh xa hoa (6 thứ chân bảo), rồi chim muông, cây cỏ cũng biết nói pháp… như thế không phải là viễn tưởng, là hành trình ngược sao? Rồi tu cả đời cả kiếp mà chưa chắc đã nên công, nên quả, giờ chỉ vin vào mấy câu niệm Phật mà đòi đắc đạo, đòi thành Phật, chẳng phải là mê hoặc, hoang tưởng sao? Hay: tu thiền còn chẳng ăn ai, nay lại bảo chỉ ngồi lim dim niệm Phật mà chứng Niết-Bàn, rồi được thành Phật, được làm Phật… có mà hoang tưởng vĩ nhân… Hay: sinh ra cõi nào thì nguyện về Giáo chủ cõi đó, sao lại đi nguyện về một nơi xa lắc xa lơ – nơi chẳng biết có thật hay không nữa?...vv… Tất cả những hoài hoặc nói trên đều có nguyên do của nó. Nếu chúng ta nhìn sự việc một cách phiến diện, tất không ít lý do nêu trên được cho là hợp lý, hợp thời, hoặc là đắc kiến… Nếu đó là những suy kiến thế gian thì sẽ có nhiều điều đáng tranh luận, nhưng vì vấn đề được nêu ra là Phật Pháp, mà lại là Pháp do Đức Thế Tôn nói ra, tất bộ óc và tri kiến phàm phu của chúng ta không thể bàn kiến. Chính vì không thể bàn kiến đó nên chúng ta dễ sanh lòng hoài nghi và phủ nhận. Đức Thế Tôn đã nhìn ra điều đó, vì vậy Ngài mới nói: Trong cái thế giới ngũ trược ác thế này mà Ta (Đức Phật) nói ra Pháp môn Tịnh Độ – Cõi Cực Lạc của Đức Phậ A Di Đà - thật là khó tin và là điều khó vô cùng.

Có 8 điều khó mà chúng sanh thời mạt pháp vì phước mỏng, nghiệp dày nên khó tin và không chịu tin:

Cái khó thứ  nhất: Đã được Đức Thế Tôn diễn giải: Cõi đó vì sao tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh sống trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.
Cái khó thứ hai: Trong cõi Cực Lạc từ nhà cửa, lầu gác, cây cối, cho đến ao, thềm đường… đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, đều được trang hoàng, nghiêm sức bằng những thứ báu như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não… rồi trong cõi ấy lại có những hoa sen đủ màu: xanh, đỏ, vàng, trắng to như bánh xe, màu nhiệm thơm tho, trong sạch;
Cái khó thứ ba: Trong cõi ấy thường trỗi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm có rưới hoa mạn-đà-la, rồi chúng sanh trong cõi đó thường đi mây, về gió đem các hoa tươi tốt đi cúng dường mười muôn ức Phật, sau lại trở về bổn quốc (quốc độ riêng của mình) để ăn cơm hay đi kinh hành.
Cái khó thứ bốn: Trong cõi ấy còn có những giống chim đẹp, lạ thường… ngày đêm sáu thời diễn nói các pháp khiến các chúng sanh trong cõi đó nghe được đều khởi tâm hoan hỉ để niệm Phật-Pháp-Tăng.
Cái khó thứ năm: Trong cõi Cực Lạc gió nhẹ thổi động các mành lưới báu, làm vang tiếng nhạc vi diệu, thí như trăm thứ nhạc đồng hòa chung, khiến ai nghe được đều sanh lòng niệm Phật-Pháp-Tăng…
Cái khó thứ sáu: Vì sao lại gọi Đức Phật đó là A Di Đà? Đức Thế Tôn giảng giải: Vì hào quang của Đức Phật đó sáng chói vô lượng, soi suốt các cõi nước trong mười phương không bị chướng ngại.
Cái khó thứ bảy: Nhân dân sống trong cõi Phật A Di Đà sống lâu vô lượng, vô biên a-tăng kỳ kiếp.
Cái khó thứ tám: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe nói Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó từ một ngày cho đến bảy ngày, một lòng không tạp loạn, thời người đó lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng sẽ hiện thân trước người đó, và người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được sanh về cõi cực lạc... Các chúng sanh vãng sanh vào cõi Cực Lạc đều là bực bất thối chuyển, con số đó chẳng thể dùng tính đếm mà biết được, chỉ có thể thể số vô lượng, vô biên a-tăng kỳ kiếp để nói…
Vì tám điều khó tin trên mà Đức Thế Tôn đã tuyên nói về cõi Cực Lạc và Ngài đã khuyến tấn rằng: Chúng sanh nào nghe được những điều trên đây nên phải nguyện cầu sanh về cõi đó. 

Trong Kinh Vô Lượng Thọ Đức Thế Tôn nói với Ngài A-Nam: „Các ông muốn thấy Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Phật  và các Bồ-tát cùng A La Hán ở cõi nước ấy thì hãy đứng dậy hướng về phương Tây, phía mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật”. Nghe vậy Tôn giả A-Nam bèn đứng dậy, mặt hướng về phương Tây, chấp tay đảnh lễ, rồi bạch Phật rằng: „Bạch Đức Thế Tôn! Con nay nguyện thấy thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà, phụng cúng dường, trồng các căn lành“. Và đang khi đảnh lễ Ngài A-Nan chợt thấy A Di Đà Phật dung nhan quảng đại, sắc tướng đoan nghiêm như ngọn núi vàng, cao vượt hơn tất cả thế giới. Lại được nghe Chư Phật Như Lai mười phương tán thán Phật A Di Đà vô lượng lượng công đức, vô ngại không dứt… Cùng lúc ấy Ngài A-Nam bạch rằng: „Bạch Đức Thế Tôn! Cõi Phật thanh tịnh kia thật rất hiếm có! Con nguyện mong được sanh về cõi ấy“… Và Đức Thế Tôn lúc ấy nói rằng: „Muốn sanh về cõi đó, cần phải nhất tâm, quy y chiêm ngưỡng“. Đến ngay cả Ngài A-Nam là đệ tử của Phật mà Ngài còn mong mỏi được sanh về cõi đó, chẳng lẽ trí tuệ chúng ta thời nay siêu quần hơn Ngài A-Nam chăng?

(còn tiếp)

New Comments