Samstag, 1. Dezember 2012

Xả Tâm Là Gì?

 "Khi ai đó thường xuyên khen chúng ta Nhẫn giỏi thế? Chuyện lớn, chuyện bé… như thế mà vẫn cứ Nhẫn được. Người phàm có lẽ nên mừng, nhưng người tu Đạo thì phải biết giật mình..."




 (Trao đổi Phật Pháp)

1. Mục đích của Đạo Phật là gì?  
2. Mục đích đích của các bạn đến với đạo Phật có như câu trả lời của bạn không?
3. Làm thế nào mới thực sự gọi là Xả Tâm?
 
A Di Đà Phật

Cảm ơn Thiện Tri Thức đã ghé thăm và để lại comment trao đổi về Phật Pháp. Những vấn đề mà Thiện Tri Thức đặt ra thật vô cùng lớn, bởi nó bao trùm tất cả những kiến thức Phật học – những kiến thức mà cả một đời tu-học có lẽ chúng ta vẫn không thể lý giải hết. Tuy nhiên, như Thiện Tri Thức nói: Học phải đi với Hành – điều này hoàn toàn logic, bởi học mà không hành thì cũng giống như người uống nước mà không biết nó nóng hay lạnh vậy. Cổ Đức cũng từng nói:
Tu mà không học là tu mò
Học mà không tu là đãi sách.

Nói tới Phật Pháp không ít người cho rằng: đó là một pháp môn vô cùng trừu tượng; viễn tưởng; thiếu thực tế; thậm chí nó còn rất mê tín và chỉ dành cho các ông bà già hay những người gần đất, xa trời… Ở một góc độ nào đó những kiến định trên là hoàn có cơ sở, tuy nhiên những cơ sở đó chỉ dựa trên sự nhìn nhận phiến diện của bản thân. Nói khác đi nó còn mang tính phàm phu, chứ không dựa trên những tri kiến mang tính Phật Pháp.

Phật Pháp hiểu cho đúng nghĩa: Nó không phải là một tôn giáo, mà chính xác (như Pháp Sư Tịnh Không luôn khẳng định) Phật Pháp là một bộ môn Giáo dục. Tại sao lại gọi là Giáo dục? Bởi Phật Pháp có thể dạy cho mọi chúng sanh, trong đó con người chúng ta là trọng tâm có thể làm Người một cách Chân Thiện. Nói sâu hơn: Phật Pháp có thể chuyển, giúp mọi chúng sanh từ Phàm thành Thánh; từ Khổ thành Vui; từ Hèn thành Sang; từ Mê thành Trí (còn gọi: phá mê khai ngộ, minh tâm kiến tánh, lìa khổ được vui, chuyển phàm thành Thánh, đạt tới cứu cánh Niết Bàn…). 

Một Pháp môn tối thắng, tối thượng như thế tại sao lại không mấy người tin và tu-hành theo? Đây là một vấn đề vô cùng lớn và nan giải trong một thế giới đầy biến động – nơi mà giá trị vật chất được thay thế, áp đảo mọi giá trị về tinh thần, đạo đức, niềm tin, lý trí và tâm linh. Khi giá trị tâm linh được đặt xuống hàng thấp nhất, tất nhiên mọi sự nhầm lẫn, kiến giải sai quấy… sẽ luôn được đặt ra. Điều này chúng ta có thể nhận thấy mọi nơi, mọi chốn trong xã hội xung quanh chúng ta.
Trở lại câu hỏi của bạn:

1. Mục đích của Đạo Phật là gì?

Phần trên mình đã nói sơ lược, tuy nhiên chúng ta có thể tóm tắt lại đôi chút về vấn đề bạn đặt ra để mọi người cùng có cơ hội chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.

Trước hết mình xin phép đính chính về hai chữ Mục Đích của bạn. Đạo Phật vốn không có Mục Đích.
Bởi nếu coi Đạo Phật là "mục đích" tất mọi người sẽ tìm đến Đạo Phật như những môn học, những trò tiêu khiển, nghĩa là: thích thì học, thích thì tham gia, chơi, khuấy động cho có phong trào…; ngược lại, khi không thấy kết quả, hoặc nản, hoặc chán, hoặc muốn tìm những cảm giác khoái lạc hơn, mạnh hơn… tất mọi người lại đi tìm một mục đích mới. Do vậy Đạo Phật là một Pháp môn để tu học và giáo dưỡng chúng sanh, giúp cho mọi chúng sanh đạt đến quả vị Thánh, đạt đến quả vị Bồ đề và đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (thành Phật). Do vậy nó là một Pháp môn vô cùng lành mạnh và hữu ích.

Làm thế nào để mọi chúng sanh (trong đó có chúng ta) có thể đạt đến những quả vị đó? Đây là vấn đề, là câu hỏi buộc chúng ta phải tìm hiểu và miệt mài, tinh tấn tu học – học bằng cái Tâm Chân Thiện của mình – may ra trong cuộc đời này chúng ta mới có thể gặt hái được đôi chút, nghĩa là dẫu cho không hoàn toàn đạt được những điều nguyện mà chúng ta mong muốn, thì những gì chúng ta sẵn có (cái nhân) nó sẽ là những hạt mầm gieo giống cho một cuộc sống của tương lai (cái quả)…

Do vậy khi nói tới Đạo Phật là chúng ta phải nói tới Nhân-Quả. Nhân-Quả chính là bài toán hóc búa mà chúng sanh đời Mạt Pháp hiện nay rất hoảng sợ và luôn tìm cách để lảng tránh càng xa, càng tốt. Đây có phải là điều thiệt thòi và thiển cận không? Thật khó có câu trả lời cho xác đáng. Bởi Đạo Phật là đạo Giác Ngộ, nghĩa là ai giác ngộ thì người đó mới có thể tìm đến với Đạo Phật, nhưng giác ngộ mới chỉ là bước khởi điểm, đằng sau sự giác ngộ ấy là sự lao nhọc, gian nan vô cùng tận – những điều mà người phàm phu vốn luôn lấy đó làm vật cản trở, hoặc tự hù dọa mình và những người thiếu bản lĩnh xung quanh.

2. Mục đích đích của các bạn đến với đạo Phật có như câu trả lời của bạn không?

Có lẽ phần trên đã trả lời phần nào về câu hỏi bạn đặt ra và cũng xin lặp lại hai chữ Mục Đích mà bạn nêu bằng một ví dụ: Ngồi Thiền.

Tại sao chúng ta phải Ngồi Thiền. Hiện nay phong trào Thiền đang lan tràn khắp mọi nơi. Có lẽ khá nhiều người nghĩ rằng, ngồi thiền sẽ đạt được cảnh giới này, cảnh giới nọ, hoặc sẽ được nọ, được kia… tất cả những cảnh giới ấy, những cái được ấy nói cho đúng chỉ là ma cảnh mà thôi. Tại sao lại gọi là ma cảnh? Bởi nó là những cảnh giới hiện ra trong tâm – tâm duyên theo cảnh, rồi bị luyến cảnh, kết cục là bị cảnh lôi cuốn, rồi tâm tham đắm trong những sắc dục đó, bị sắc dục khuấy nhiễu cho tới điên đảo, nhưng lại ngỡ đó là cảnh giới của Thiền. Thiền như thế gọi là ma Thiền. Rất tiếc lại có không ít người thích tham đắm vào những cảnh giới như vậy, để rồi hậu quả thật khôn lường. Đây cũng chín là hậu quả của việc coi Thiền như một Mục Đích.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền! Hiểu được câu này trọn vẹn có lẽ mới nên tham Thiền chăng?

3. Làm thế nào mới thực sự gọi là Xả Tâm?

Tứ Vô Lượng Tâm bao gồm: Từ-Bi-Hỉ-Xả. Xả = buông bỏ. Chúng ta phải buông bỏ những gì? Người đời để buông bỏ chuyển phải-quấy; chuyện sang-hèn; chuyện hơn-thiệt; chuyện cao-thấp; chuyện thắng-thua; lỗ-lãi… đã là điều vô cùng khó. Người làm được chuyện này một cách rốt ráo, thời nay quá hiếm, lại dễ bị người khác liệt vào dạng "không bình thường". Người trong Đạo (tu theo Đạo Phật) cũng không khác gì người ngoài đời. Để buông bỏ (Xả) những điều nói trên cũng là điều vô cùng khó và nan giải. Đòi hỏi từng niệm niệm phải luôn thường quán chiếu. Ở đây nó đòi hỏi ở một lập trường kiên định (sự tinh tấn), một tâm lòng thực sự vị tha. Bởi Xả nó là bước tận cùng của Từ-Bi-Hỉ. Một người không có lòng Từ, tất không thể có lòng Bi và dĩ nhiên cũng không thể có lòng Hỉ và đương nhiên sẽ chẳng thể nào có Xả cả. 

image

Tuy nhiên ở đây mình muốn nói với bạn sâu hơn về chữ Xả (buông bỏ). Thường khi ai đó nói với chúng ta: Ông, Bà, anh, chị, bạn này hay, giỏi thật. Chuyện gì cũng Xả được. Nghĩ xuôi thì thấy quả đáng vui, đáng tự hào và khích lệ. Nhưng Pháp cứu cánh của Xả thì người còn phải Xả là người còn sống trong tham-sân-si-ngã mạn-chấp trước. Bởi còn tham, nên mới phải xả; còn sân, nên mới phải xả; còn si nên mới phải xả; còn ngã mạn nên mới phải xả; còn chấp trước nên mới phải xả. Do vậy còn Xả Tâm nghĩa là còn sống trong điên đảo vọng tưởng. Xả được đã là khó, nhưng làm sao để không còn phải Xả nữa đó mới là pháp hạnh tối thắng của người tu Đạo Phật. Cũng tương tự chữ Nhẫn. Khi ai đó thường xuyên khen chúng ta Nhẫn giỏi thế? Chuyện lớn, chuyện bé… như thế mà vẫn cứ Nhẫn được. Người phàm có lẽ nên mừng, nhưng người tu Đạo thì phải biết giật mình. Tại sao? Bởi người còn phải Nhẫn nhiều là người còn Sân quá nhiều chứ không phải là người đó Tâm hoàn toàn thanh Tịnh. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh là thế.  

Xả Tâm hiểu cho đúng nghĩa: Tâm không còn bị vướng kẹt giữa đôi dường, nghĩa là Tâm không còn phân biệt, không còn chấp trước. Đứng trước vạn vật, chúng sanh Tâm của chúng ta đều bình đẳng, như như bất động - Ấy mới gọi là Xả Tâm.  
Huệ Tâm

New Comments