Montag, 2. September 2013

Hộ Niệm Là Một Pháp Tu - Phần 9


"Xin chư vị hãy chú ý coi trọng chuyện hộ niệm. Khi có một buổi hộ niệm, tất cả mọi việc Niệm Phật Đường nên bỏ hết để mình tham gia hộ niệm, tại vì hộ niệm là trực tiếp cứu người. Công đức này vô lượng vô biên..."


Cư Sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
(Tọa đàm 9)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Hộ niệm rất là quan trọng! Có nhiều nơi vì đánh giá quá thấp vấn đề hộ niệm, cho nên công cuộc cứu người thành đạo quá hiếm hoi! Sở dĩ như vậy là tại vì căn cơ của con người trong thời này quá thấp! Tu hành nhưng mà còn nhiều cái vướng không hay, thoát ra không được! Hộ niệm là giúp cho người đang vướng đó thoát ra những chướng nạn để họ có thể nương theo đại lực của A-Di-Đà Phật mà về Tây Phương Cực Lạc.
Cái chướng ngại này suy cho cùng ra không phải ở bên ngoài đưa vào, mà hầu hết là chính trong tâm bị vướng. Khi chúng ta biết được phương pháp hộ niệm, mình thấy rõ chuyện này, nên hãy tự mình xét lấy để cố gắng gỡ những cái vướng này trước, để rồi sau cùng còn có gì sót lại thì ban hộ niệm sẽ gỡ giùm cho. Đó mới là an toàn, chứ không nên ỷ y quá đáng vào ban hộ niệm.
Trong vấn đề gỡ vướng nạn đó, thì Hòa Thượng Tịnh Không thường nhắc nhở là phải tập BUÔNG XẢ.
Buông xả rốt ráo, tự tại vãng sanh.
Buông xả nhiều, vãng sanh dễ.
Buông xả ít, vãng sanh khó.
Người không buông xả, không được vãng sanh!
Về vấn đề buông xả hãy cứ lấy cái tâm của mình ra mà tự xét lấy thì biết liền. Ví dụ như:
Đối trước một hiện tượng… một người nào đó tự nhiên coi như không… là người đó biết buông xả.
Đối với một hiện tượng như vậy, một người nọ thấy khó chịu là tại vì người đó không buông xả.
Đối với một sự việc, có một người nở nụ cười, thì người đó biết buông xả.
Đối với một sự việc như vậy, một người nọ nhăn nhúm lên, không có cười được, là người đó không buông xả.
Đơn giản như vậy! Thành ra mình hãy tập coi tất cả vạn sự nhẹ nhàng một chút thì tự nhiên tâm chúng ta đang trên con đường buông xả…
Sau cùng, khi hộ niệm phải cần đến một cơ sở hộ niệm. Cái cơ sở hộ niệm chính là gì? Là nhóm đồng tu, bạn hữu, là một đạo tràng hay là ban hộ niệm để có đủ nhân lực giúp mình hộ niệm trong những giờ phút cuối cùng. Chính vì vậy mà đạo tràng này, xin thưa thực, là lập ra để đáp ứng đúng nhu cầu đó. Phải nói rằng, ở trên thế giới này, rất ít đạo tràng lập ra để chuyên công về hộ niệm, thì Niệm Phật Đường A-Di-Đà này chuyên công làm chuyện đó. Xin chư vị hãy chú ý coi trọng chuyện hộ niệm. Khi có một buổi hộ niệm, tất cả mọi việc Niệm Phật Đường nên bỏ hết để mình tham gia hộ niệm, tại vì hộ niệm là trực tiếp cứu người. Công đức này vô lượng vô biên.
Khi qua bên Âu Châu, có nhiều vị đồng tu bên Tiệp, bên Đức, bên Pháp… người ta nói rằng sẽ tổ chức, lần lượt tổ chức từng nhóm để hàng năm đi qua Niệm Phật Đường A-Di-Đà này để cộng tu. Thì tôi khuyên họ rằng, nếu có qua thì nên qua một lần thôi, đừng nên qua hàng năm không tốt! Tại vì nếu mà qua hàng năm như vậy, có thể quý vị sẽ không thể vãng sanh được. Vì sao? Vì qua một lần để học cách cộng tu, rồi về lại chính cái trụ xứ của mình, kêu gọi năm - mười người lập nên một nhóm cộng tu. Tìm một cái nhà nho nhỏ có phòng khách tương đối để làm chỗ cộng tu với nhau, ngày ngày cộng tu với nhau thì chuyện này mới là vấn đề quan trọng. Chứ nếu mà chư vị cứ hàng năm tìm những ngày lễ để qua bên đó tu tập rồi trở về. Xin hỏi, rồi đến lúc mà quý vị yếu đuối, quý vị có qua đó được nữa không? Quý vị có thể chết tại Niệm Phật Đường đó không? Không được! Mà thường thường quý vị chết tại nơi trụ xứ của quý vị, lúc đó ai sẽ là người đứng ra hộ niệm cho chư vị?… Tôi nói như vậy…
Cho nên tôi khuyên những vị đó, nếu mà đi, hãy cố gắng đi một lần thôi. Ở lại đó một tháng cũng được, hai tuần cũng được… để học cho được cái cách cộng tu để rồi mình về áp dụng ngay tại địa phương của mình. Còn nếu mà chư vị cứ hàng năm đi qua bên đó tu, thì ở tại cái trụ xứ người ta thấy chư vị tu hành như vậy hay quá(!), nhưng rồi sau cùng thì chính quý vị không thành tựu được gì hết! Tại vì ngay chỗ đó, nơi mà quý vị đến đó, người ta tu quanh năm đó, chưa chắc người ta đã được thành tựu, chưa chắc người ta đã chứng đắc được gì, thì làm sao cứ một năm mình qua được có một tháng hai tháng rồi về mà có thể mình thành tựu?… Tôi nói như vậy.
Vì vậy, đã nghĩ tới chuyện hộ niệm thì mình phải cẩn thận tìm một cơ sở vững vàng để mình trụ, gọi là “AN TRỤ”. Phải An Trụ cách tu, An Trụ chỗ tu. Chỗ tu gọi là “TRỤ XỨ”, trụ xứ cũng phải an trụ luôn mới có khả năng thành tựu. Chứ còn như ở bên Pháp thấy bên Úc hay quá, bay qua bên đó tu một vài tháng. Qua bên đó thấy hình như cũng kiến, cũng gai, cũng góc, cũng… đủ thứ hết trơn. Ở bên Mỹ thấy bên Úc ngon quá, chạy qua. Chạy qua rồi… cũng thấy nó cũng lộn xộn như vậy!…
Điều quan trọng là chúng ta phải kết nhóm lại, đồng tâm hiệp lực, để tìm cách hỗ trợ khi trong đồng tu chúng ta có người yếu. Ví dụ cụ thể, như mấy ngày qua chúng ta đi hộ niệm cho chị Diệu Tánh phải không? Qua ba-bốn lần hộ niệm thì tự nhiên chị Diệu Tánh cảm thấy vững tâm. Phải không? Chị thấy vững chưa? Vững như tường đồng vách sắt. Phải không? Anh Chín thấy không nè?… Chị thấy không nè!… Rõ rệt, kết quả thật bất ngờ! Nếu mình cứ tưởng rằng: À! Bà này chưa có gì hết, tại sao phải đi hộ niệm? Để chờ đến khi nào mà hết… hết… không còn gì nữa! Không còn ăn, không còn uống, chỉ nằm ngáp ngáp… lúc đó mới tới hộ niệm. Thì ôi thôi! Đã trễ rồi!… Không còn kịp nữa đâu!
Là tại vì trong suốt cái thời gian đó, những cái vướng mắc trong tâm không ai gỡ ra được. Lúc đó, những gì mình muốn chuẩn bị, cũng không chuẩn bị được! Ấy thế mà chỉ cần qua ba-bốn cuộc hộ niệm, mình tưởng là giống như giỡn giỡn vậy, mà thực sự những cuộc hộ niệm này nó gỡ không biết bao nhiêu khó khăn cho người bệnh. Nó củng cố tinh thần cho người bệnh đó. Nó ủng hộ tinh thần cho gia đình đó. Nhờ vậy, tất cả tự nhiên thấy vững vàng. Chính sự vững vàng này là điều giúp cho họ vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, chứ không phải là đứng trước một bệnh nhân đã bị mê man bất tỉnh, hay là bị nghiệp khổ nó quần đến điên đầu nhức óc, rồi mình niệm cho người ta một vài câu Phật hiệu, nói với người ta vài lời khai thị mà người ta được vãng sanh đâu.
Rất nhiều người không hiểu được pháp hộ niệm, cứ tưởng hộ niệm là chờ chết rồi, hoặc sắp sửa tiêu rồi mới tới hộ niệm (?). Đây là một điều hết sức sai lầm! Quý vị có biết không? Cái năm mà ông Cụ của nhà tôi ra đi, là thực ra tôi đã chuẩn bị hộ niệm trước đó mấy năm rồi. Mỗi năm tôi đều về Việt Nam là mỗi lần tôi hộ niệm cho ông Cụ. Tôi viết thư khuyên giải, kêu gọi anh chị em tới khuyên giải, và mỗi lần về là tôi bắt đầu hộ niệm. Thực ra, vì mỗi lần về quê nhà là mỗi lần ông Cụ bị bệnh. Thành thử, suốt trong bảy năm trường, tôi đã hộ niệm cho ông Cụ rồi. Thật không phải là chuyện dễ! Mà một lần về là tôi phải tụ họp trong làng trong xóm lại mấy chục người để niệm Phật. Vô tình trong bảy năm hộ niệm như vậy thì cái làng đó nhiều người đã biết hộ niệm, rồi cái làng bên cạnh người ta cũng biết hộ niệm luôn. Bây giờ thì những làng đó người ta hộ niệm tốt, thực sự an lành vô cùng.
Cho nên, chúng ta không nên có cái quan niệm sai lầm về hộ niệm, là cứ đợi cho người đó chết, đợi khi người đó sắp sửa ngáp ngáp rồi mình mới tới hộ niệm. Mà chính là, một buổi cộng tu như thế này là một buổi hộ niệm. Khi chúng ta thấy một người đó hơi bệnh, người ta đi cộng tu không được, thì mình tới thăm người ta. Một buổi thăm như vậy là một buổi hộ niệm. Trước đây một cuộc thăm như vậy thì bày tiệc ra nhậu nhẹt, say sưa, cười giỡn, vui đùa!…  Phải không?  Bây giờ mình tới thăm… Thăm gì? Khuyên giải con đường vãng sanh. Khuyên giải đó chính là “Khai Thị“, chính là hướng dẫn.
Cho nên, chúng ta ở đây cảm thấy rất mừng vì mỗi ngày được thấm nhuần thêm cái phương pháp hộ niệm, tự nhiên mình thấy hình như là những bạn đồng tu của chúng ta đã có được con đường đi vững vàng, vững vàng từ bây giờ và một ngày nào đó khi chúng ta nằm xuống, bên cạnh chúng ta ít ra cũng có năm người, mười người, mười mấy người chuẩn bị hộ niệm cho chúng ta rồi. Đây thực sự là một cái cơ sở, gọi là cơ sở hộ niệm.
Trước đây tôi có viết một cái thơ, gọi là “Thơ Vận Động Hộ Niệm” gởi đi khắp thế giới. Tôi nói là muốn năm, mười năm sau mình cứu được người thân của mình, thì ngay bây giờ mình phải vận động phương pháp hộ niệm, mình phải loan truyền phương pháp hộ niệm, nói chuyện hộ niệm hàng ngày với gia đình của mình, thì mườ  năm, bảy năm sau mình mới có cơ sở hộ niệm cho gia đình của mình.
Có nhiều người ở bên Tây, bên Đức, bên Tiệp, bên Hòa-Lan… khi nghe tôi nói chuyện này, họ ngồi khóc, họ khóc ròng luôn!… Tại sao như vậy? Là tại vì, có những người tôi đã nhắc nhở từ bốn năm, năm năm trước rồi. Bốn-năm năm trước tôi đã nhắc là phải lo chuyện hộ niệm đi. Nhưng người ta không chịu nghe! Để đến sau cùng từ Cha chết, rồi tới Mẹ chết, rồi tới em chết… họ không biết cách nào mà hộ niệm! Nhiều khi chính mình biết hộ niệm, nhưng người bệnh đó không biết về hộ niệm… Nhiều lúc cũng đành chịu thua!
Chính vì vậy, tôi nói quý vị đi qua bên Niệm Phật Đường đó niệm Phật với tôi làm chi? Nếu muốn qua, thì qua đó một tháng thôi, đủ rồi. Sau đó phải về tại trụ xứ của mình, cố gắng thành lập ra một ”Nhóm Cộng Tu“, lập một cái Niệm Phật Đường nho nhỏ, kết hợp với nhau ngày ngày trụ tại đó mà niệm Phật, không được đi đâu nữa. Tại vì cứ đi lăng xăng lăng xăng! Chịu thua! “Con vượn chuyền cành” thì cái tâm mình nó giống như con Mã, là con ngựa đó, nó chạy khắp nơi hết trơn, không bao giờ định được!
Tôi khuyên như vậy, mấy người đó hình như thấm quá! Tuần này mình đang tu ở đây, thì ở bên Đức người ta đã tổ chức được ba ngày niệm Phật. Người ta dọn sạch sẽ một căn phòng làm Niệm Phật Đường, người ta kêu đồng tu tới niệm Phật. Bên Tiệp người ta bắt đầu thực hiện rồi. Bên Đức có hai ba chỗ người ta đã làm như vậy rồi. Tôi nói là cứ ở tại chỗ này mà vãng sanh, chứ không phải đi qua bên Niệm Phật Đường đó, đừng nghe ở bên Niệm Phật Đường A-Di-Đà ngon quá, cứ qua đó thăm một năm vài tháng là về được vãng sanh. Không phải! Chư vị qua thăm tôi… tu ít bữa rồi về!… Chư vị không được vãng sanh!
Xin thưa đây cũng là cái cơ may cho chúng ta biết rằng, muốn được vãng sanh hãy thành lập cơ sở ngay từ bây giờ. Phải trụ lại một chỗ, gọi là “Trụ Xứ“. Có cái “TRỤ” đàng hoàng. Có trụ như vậy thì tâm ta mới an, mà tâm an thì lý tự nhiên đắc. Đắc ở đâu? Nhất định một câu A-Di-Đà Phật đưa ta về Tây Phương Cực Lạc. Còn chúng ta đi lang thang… lang thang… Đến lúc mà nằm xuống… Thôi chịu thua!…
Cho nên, phải cẩn thận ở chỗ này để chúng ta quyết lòng đi về Tây Phương. Đã quyết tu hành, sau cùng còn có người hộ niệm hướng dẫn, nhất định chúng ta sẽ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.

New Comments