Freitag, 20. Dezember 2013

Diệu Huệ Đồng Nữ - Thích Tín Đạo - Phần 2


"Bố thí với tâm hoan hỷ là một sự bố thí ý nghĩa và cao quý nhất. Giúp cho kẻ khác các vật dụng như của cải, tài sản, cơm áo để san sẻ những thiếu thốn, đói kém nhưng đồng thời ta gieo vào một niềm thương chân tình, một nguồn hoan hỷ vô biên để chia xẻ những nỗi chua xót, thương đau và tủi khổ, thể hiện tình nguời một cách thắm thiết và gắn bó, tạo duyên lành cùng nhau trở về chánh pháp vô thượng..."

Nguyên tác: 
Diệu Huệ Đồng Nữ kinh, tức Tu Ma Đề kinh (Sumati Sùtra) 
Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch từ Phạn sang Hán



Dịch giả &chú thích: 
Thích Tín Đạo 
(1982) 

A. GIẢI THÍCH VÀ TRÌNH BÀY NHỮNG PHƯƠNG THỨC SỐNG ĐÁP ỨNG NHU CẦU MƯỜI NGHI VẤN:

Đức Phật tuần tự giải thích từng vấn đề và qua mỗi nghi vấn Ngài trình bày bốn phương thức sống để đạt được ý nguyện chính đáng cao đẹp đó.

1. Trước hết, làm thế nào để thành tựu được thân đoan chánh, có đầy đủ tướng xinh đẹp trang nghiêm, Ngài dạy các Bồ Tát phải thực hiện bốn phương  pháp sau  đây:

- Đối với các ác hữu, không khởi tâm sân hận:

Nếu thiện hữu tri thức là những nhân duyên hệ trọng lớn lao trong năng lực trợ duyên cho chúng ta thoát ly ra khỏi cảnh đời khổ não tử sinh, thì ác hữu chưa hẳn là duyên xấu, để đưa chúng ta vào trầm luân khổ hải. Trên đường đời nếu càng gặp nhiều trở ngại và nghịch cảnh thì càng lại rèn luyện un đúc thêm các đức tính chịu đựng, nhẫn nhục, mềm dẻo, kiên chí để trở thành con người tốt làm lợi ích cho tất cả mọi người và thích ứng với mọi hoàn cảnh. Điển hình như trong kinh Pháp Hoa, Đề Bà Đạt Đa – em họ của Đức Phật, trọn đời thường hay làm những việc ác tâm phản nghịch, cố tình phá hoại uy tín, đạo đức của Ngài, đến nỗi cố tình ám hại sinh mạng của Phật như tẩm độc vào móng tay để cào cấu lúc đảnh lễ dưới chân Ngài, hoặc thả bày voi say để chà đạp tàn hại, xô đá lăn xuống mình Ngài. Tuy nhiên Phật chẳng hề khởỉ tâm sân hận mà còn phải tìm cách hướng dẫn họ quay về chánh pháp.

Trước giờ phút xả bỏ nhục thân để tịch diệt Niết Bàn, Đức Phật đã ân cần nhắc nhở các Thầy Tỳ Kheo một cách thật cảm động: „Các Thầy Tỳ Kheo! nếu ai cắt  xả thân các Thầy ra từng mảnh, từng đoạn, các Thầy phải tự kìm chế tâm mình, đừng cho giận dữ …Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ, kẻ ấy không được ca tụng là người nhập đạo có trí(5)

- Tâm thường trụ trong tình thương rộng lớn:

Người tu hạnh Bồ Tát phải thực hành hạnh từ bi bên cạnh trí tuệ sáng suốt để huớng dẫn chúng sanh nhập vào thánh đạo giải thoát. Bồ Tát lăn xả vào cuộc đời không ngại nhọc nhằn, không tiếc thân mạng, để hoàn thành mục đích cứu khổ cho tất cả chúng sanh. Ngày nào chúng sanh còn khổ đau thì thực hành của Bồ Tát đạo vẫn còn liên tục. Chúng sanh vì vọng niệm vô minh nên mãi còn chìm đắm trong khổ đau phiền trược, nên sự thực hành tâm từ bi đem an vui, cứu khổ cho muôn loài lại cần phải đề cao một cách khẩn thiết hơn nữa. Bồ Tát thực hiện tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh kẻ nào đang đau khổ cần được an vui thì cố gắng tìm mọi sự an vui cho thân tâm họ, không bao giờ khởi lên trong tâm niệm mình một ý niệm ác độc để não hại kẻ khác. Ngoài ra riêng đối với bản thân mình cũng phải tìm cách hàng phục tâm mình đừng nên giận dữ, não loạn. Vì vậy kinh Thập Thiện nghiệp đạo có nhấn mạnh hai đức tính này như sau: „ Vì lấy lòng từ trang nghiêm, nên đối với chúng sanh không khởi tâm não hại.Vì lấy lòng bi trang nghiêm, nên thương các chúng sanh thường không chán bỏ“(7)

Thực hiện tâm từ bi rộng lớn và an trú trong tâm từ bi đó vừa đem lại an vui lợi ích cho mọi người, đồng thời chính công hạnh này đã phát triển tâm niệm rộng rãi bao la trong nguồn an lạc vô biên cho chính mình. Đó là hai hạnh cao cả và đầu tiên khi Bồ Tát đi vào việc tu tập và thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

- Tâm thường vui vẻ sâu xa trong chánh pháp:

Chánh pháp tối thượng có khả năng đưa hành giả từ trong đớn đau thống khổ đi đến an vui giải thoát. Tâm đã diệt trừ tất cả mọi phiền não vọng tưởng để an trú vào trong chánh pháp tối thượng đó, phải luôn luôn phát khởi niềm tin thâm sâu hoan hỷ và vui vẻ tắm gội trong nguồn suối chánh pháp. Tâm một khi đã  an trụ vào trong chánh pháp rồi thì đạt đến trạng thái an tịnh, siêu thoát, tự tại dễ dàng thung dung trong tiến trình tu tập và thực hiện tinh thần Bồ Tát đạo, làm lợi ích và an  lạc cho hết thảy mọi loài hữu tình chúng sanh. Đó là nhân duyên tốt trên con đường tiến đến thành tựu và chứng đắc đạo quả Vô Thượng Bồ Đề (Anuttara Samyak Sambodhi).

- Đắp tạo các hình tượng chư Phật, và các vị Bồ Tát:

Thân tướng của chư Phật, Bồ Tát có nhiều tướng hảo trang nghiêm, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nên chiêm ngưỡng pháp thân Ngài để phát khởi tâm hoan hỷ, tinh tấn, kẻ mới phát tâm tu học cần đối tượng tôn kính, để chiêm ngưỡng, làm tăng thêm tín tâm. Nhìn tướng hảo của các Ngài để phát tâm từ bi, hỷ xả, diệt trừ sân hận và si mê, đồng thời nhìn vào để soi chiếu tấm gương trí tuệ trên tiến trình mong cầu tuệ giác. Vì vậy tạo lập hình tượng để tôn thờ và để cho kẻ khác chiêm ngưỡng sẽ thành tựu công đức vô cùng to lớn. Trong kinh Địa Tạng (Ksitigarbha Sùtra), Đức Phật đã dạy cho Bồ Tát Phổ Quảng và đại chúng biết rằng chính nhờ vào công đức cúng dường, đắp vẽ tạo dựng hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát dù bất cứ bằng phương tiện nào như đất, đá, keo, đồng, sơn, sắt, v.v…thường dâng cúng hương hoa, đồ ăn, đồ uống, y phục, gấm lụa, vật báu. v.v….nhờ gieo phước đức cúng dường đó, dù là nữ nhân sẽ chuyển được thân nữ cả trăm ngàn muôn kiếp, lại có tướng mạo xinh đẹp đoan trang, sau khi chết sẽ sanh lên cõi trời Đao Lợi, không còn sa đọa vào ác đạo. Cũng kinh này(9), vị Kiên Lao Địa Thần có trình bày về mười điều lợi ích trong công đức đắp họa hình tượng Bồ Tát, đốt hương cúng dường chiêm lễ ngợi khen thì chỗ đó được 10 điều lợi ích như đất cát tốt màu, nhà cửa an ổn, người chết sanh lên cõi trời, người hiện còn  hưởng lợi ích cầu chi cũng toại ý, không có tai họa về nước và lửa, trừ sạch việc hư hao, dứt hẳn ác mộng, ra vào có thần theo hộ vệ, thường gặp bậc thánh nhân.

2. Trả lời cho câu hỏi thứ hai: Muốn sanh vào địa vị giàu sang, được mọi người tôn quí, thì phải thực hiện những hạnh nguyện gì? Đức Phật bèn dạy cho Diệu Huệ phải thành tựu bốn phương pháp sau đây:
- Gặp thời thích ứng nên thực hành bố thí:
Bố thí (Dàna) cũng gọi là huệ thí (Tyaga), tức là vì lòng nhân ái mà ban bố hay dâng tặng. Con người khổ đau cùng tột chỉ vì mất mát và thiếu thốn về cả hai phương diện tinh thần như tình yêu, trí thức, về phương diện vật chất như của cải tài sản. Bố thí tức là thiết lập lại thế quân bình giữa mình và tha nhân, để san sẻ những đau thương, mở rộng tâm hồn mình trong mối quan hệ tình người bao la như đại dương và để đưa những kẻ khổ đau, thù nghịch xích lại gần nhau trong tình nhân ái, chân thành, đồng thời cũng để diệt trừ tâm bỏn xẻn keo kiệt của mình nữa. Đức Phật dạy rằng nhờ công đức bố thí mà sinh mạng mình được trường thọ, đời sống sung túc tùy niệm, được mọi người tôn quí. Công đức bố thí đứng đầu trong phép lục độ, đó là bước đầu của hạnh Bồ Tát để thực hiện hạnh lợi tha. Tuy nhiên điều quan trọng chủ yếu là phải bố thí bằng cách nào để người nhận ân huệ khỏi bị tủi thân, không bị mặc cảm khi nghĩ đến thân phận hèn kém, thiếu thốn của mình, nghĩa là trong sự bố thí đó phải bao gồm tất cả niềm yêu thương và kính mến chân thật. -Không nên có tâm khinh thường ngạo mạn:
Tất cả mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh (Bùddhatà). Ai cũng có khả năng thành Phật, chứng đắc đạo quả giải thoát, ngay cả loài vật cũng thế. Nếu kẻ nào tinh tấn tu trì tích tụ nhiều công đức thì sẽ sớm được giác ngộ. Không nên khinh thường chê bai và ngạo mạn đối với bất cứ ai, dù họ là kẻ tội lỗi, tàn ác đến mấy đi nữa, nên tìm cách hướng dẫn họ quay về vớí chánh pháp. Trong kinh Pháp Hoa (Saddharma Pundarika)(10) Đức Phật có kể lại câu chuyện của một vị Bồ Tát tên là Thường Bất Khinh, thường khi ra đường gặp các bậc xuất gia hay cư sĩ, Ngài đều đem tâm tôn kính chấp tay mà nói rằng: ”Tôi rất kính trọng Ngài, vì Ngài sẽ thành Phật ở đời vị lai”. Có kẻ cho Ngài là giả dối, có kẻ sanh tâm giận hờn, khinh chê, nhiếc mắng và thậm chí có kẻ lấy gạch ném vào mình Ngài, nhưng có nhằm gì đối với vị Bồ Tát tu pháp hạnh bất sanh nhẫn (Anurpadà dharaskganti). Và có ai hiểu được rằng vị Bồ Tát bị khinh chê, xua đuổi nhục mạ đó lại là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sàkya Muni), một người sinh ra trong dòng họ tôn quý được toàn cả nhân loại tôn quý, kính ngưỡng muôn đời.
- Hoan hỷ để mà cho không nuối tiếc:
Bố thí với tâm hoan hỷ là một sự bố thí ý nghĩa và cao quý nhất. Giúp cho kẻ khác các vật dụng như của cải, tài sản, cơm áo để san sẻ những thiếu thốn, đói kém nhưng đồng thời ta gieo vào một niềm thương chân tình, một nguồn hoan hỷ vô biên để chia xẻ những nỗi chua xót, thương đau và tủi khổ, thể hiện tình nguời một cách thắm thiết và gắn bó, tạo duyên lành cùng nhau trở về chánh pháp vô thượng. Hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng của Phật giáo Trung Quốc là biểu tượng cho một tâm niệm bố thí hoan hỷ, an lạc. Câu chuyện Đông Cung Thái Tử Tu Đại Noa bố thí tài của, voi quý, ngựa xe, vợ con(11), một cách hoan hỷ không nuối tiếc là biểu trưng cho hạnh bố thí Ba La Mật của tinh thần Bồ Tát Đạo. Đó là tinh thần vô trụ tướng bố thí và chẳng vì vụ lợi.
- Chẳng mong cầu quả báo:
Bồ Tát xả thân ra thực hiện công việc hoằng hóa chúng  sanh chẳng phải để mong cầu được lợi ích phước báo ở mai sau. Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật (Vajraprajnà Pàramità Sùtra) Đức Phật dạy Ngài Tu Bồ Đề (Sùbhuti) rằng: Bồ tát đã thực hành bố thí tâm không nên trụ vào tưởng bố thí ((Dànalaksana), không trụ vào nhân tưởng (Pudgala Samjna), chúng sanh tưởng (Sattva Samjna)), thọ giả tưởng (Jiva Samjna). Vì nếu Bồ tát thực hành bố thí mà còn trụ vào tưởng đó thì không phải là Bồ tát, vì tâm vị Bồ Tát đó còn trụ tưởng, còn mong cầu không thành tựu được phước đức vô lượng không thể đếm được (Aprameỳamkhyeya Punyaskandha).

Chính nhờ thành tựu trọn vẹn được bốn pháp đó mà ngày nay Diệu Huệ Đồng Nữ trong hiện tại được sanh làm con vị trưởng giả giàu sang, tôn quí, tướng mạo xinh đẹp, đoan trang. Tuy nhiên được thân tướng xinh đẹp và đoan nghiêm, sinh vào nơi giàu sang tôn quí chưa hẳn được hạnh phúc nếu bà con quyến thuộc còn bị oán hận, phân tán, chia lìa. Muốn đạt đến một đời sống an vui, hòa thuận, gắn bó phải xử sự như thế nào?
(còn tiếp) 

New Comments