Montag, 17. Dezember 2012

Tịnh Tâm Khi Hành Thiền - Phần III

"Với lòng mong mỏi gửi tới các bạn một thông điệp: Nhân bất thập toàn và cũng muốn phá tan những băn khoăn của không ít người khi nghĩ rằng: cứ phải ngồi xuống, phải lên chùa hay vào những nơi cùng cốc, hẻo lánh, xa cách hẳn thế giới giới loài người mới có thể tu thiền..."
                                                                                    Phần III

(tiếp theo và hết)
Huệ Tâm

Sao gọi là Thiền Định?



"Này Thiện tri thức sao gọi là Thiền định? Ngoài lìa tướng là Thiền, trong chẳng loạn là Định" (Pháp Bảo Đàn Kinh - Phẩm Tu Thiền).

Vậy thế nào gọi là lìa tướng? Như phần Tọa Thiền tôi đã chia sẻ cùng các bạn, lìa tướng là đừng có chấp nhất lớn-nhỏ, cao-thấp, hay-dở, đẹp-xấu, dài-ngắn, thơm-thối, ngọt-bùi, chua-cay, mặn-nhạt, sang-hèn, trí thức-nông dân, nông thôn-thành thị, miền xuôi, miền ngược, trên chùa-tại gia… bởi nếu chúng bị những sắc tướng này lôi cuốn, tất tâm sẽ nảy sinh tham-sân-hận, từ đó nảy sinh vọng niệm rồi chấp tướng. Ví thử ta đang đi ngoài đường, vô tình nhìn thấy một người cao lênh khênh, hay một người dị thường đi ngược lại, nếu biết quán chiếu tâm-tánh, ta chỉ cần nhận biết: ồ, người đó cao thật, hay dị thường thật, rồi ta bỏ qua, tiếp tục đi lo công việc của mình, tất sẽ không sinh vọng niệm. Ngược lại, ta dừng bước, rồi đứng ngắm nghía hai người nói trên đang bước qua trước mặt mình với vẻ vui thú, kế đó về nhà lại đêm chuyện của họ kể cho người này, người kia nghe, rồi phụ họa thêm dăm ba tình tiết cho câu chuyện của mình thêm li kỳ… như vậy chính ta đã để cho tâm mình nảy sinh vọng niệm=chấp tướng của người khác rồi sinh lời thị phi… Một ví dụ khác: một người bạn của tôi về phép Việt Nam, người nhà dẫn chị ra chợ vừa dạo chơi, vừa mua đồ ăn. Thấy chị cùng người nhà tươi tắn bước vào cổng chợ, một đám trẻ ăn xin đã ùa ra xin tiền. Chị bạn tôi không nề hà, bèn rút ví cho mỗi đứa trẻ 10000đ. Thấy vậy người nhà bèn huých vào tay chị rồi mắng gắt: Dở hơi à? Thừa tiền thì đưa cho tụi tao tiêu, thóc đâu đi đãi gà rừng? Chị bạn tôi bảo: Nhìn tụi nó tội nghiệp quá, cho tụi nó mấy ngàn mua bánh mì, đáng là gì. Người nhà chị bạn vẫn cấm cảu nói mát: Phải rồi, cô ở tư bản về nên hào phóng. Có giỏi ngày nào cô cũng ra đây mà làm từ thiện. Chỉ sợ tụi nó kéo đàn kéo lũ đến, cô chạy mất dép thôi. Ăn xin cũng có dăm bảy loại, lớ ngớ làm phước rồi phải tội… Câu chuyện cũng chẳng có gì đáng nói, nhưng dọc đường chị bạn tôi đã bị người nhà chì chiết, rồi về tới nhà chị cũng bị lôi ra để “kiểm thảo” khiến chị cảm thấy vừa bực, vừa phiền lòng, rồi nghi ngờ lòng tốt của chính mình và đã tự dằn vặt bản thân trong suốt mấy tuần bên gia đình, thậm chí cho tới những ngày sau này, khi đã trả phép… Những tình tiết câu chuyện sẽ trở nên đơn giản nếu như phía người nhà của chị bạn có những lời lẽ khuyên bảo chừng mực, chắc chắn chị bạn tôi đã không cảm thấy bị thương tổn bởi hành động nghĩa đạo của mình. Nhưng điều đáng nói ở đây là chị cũng đã chấp nhất những lời chê bai, khích bác của người nhà, từ đó đã dẫn tới phiền muộn trong cả kỳ nghỉ phép. Trong cuộc sống của chúng ta những sự việc tương tự luôn hiện hữu và xảy ra mọi nơi, mọi chốn, nhưng nếu chúng ta đừng chấp nhất, và biết xem nhẹ mọi chuyện, tất tâm của chúng ta sẽ không bị lôi cuốn vào những loạn động của đời thường. Được như vậy đương nhiên bản tánh thanh tịnh của chúng ta cũng sẽ không bị loạn. Loạn là khi ta vừa đối cảnh đã vội vã chạy theo cảnh rồi bị cảnh cuốn đi mất, nhưng nếu đối cảnh mà không suy diễn, không vọng tưởng (không chấp nhất) thì chắc chắn tâm sẽ chẳng loạn. Hẳn chúng ta đã một lần nghe qua câu chuyện hai nhà tu hành đang cãi vã nhau về chuyện lá cờ đang bay trong gió. Một người thì lớn tiếng nói: Lá cờ động trong gió, người kia cũng lớn tiếng nói: Gió thổi động lá cờ. Cứ vậy hai nhà tu cãi qua cãi lại và ai cũng cho mình có lý. Thực tế cả hai đều không sai. Bởi nhờ có gió nên lá cờ mới động, và nhà lá cờ động mới hay có gió. Thế nhưng cuộc cãi vã sẽ không phân thắng bại nếu như không có một hành giả đi qua, thấy vậy bèn dừng lại nói: Cờ không động, gió không động mà tâm các ông động. Các bạn nghĩ sao? Nhưng thực tế hành giả nọ đã hòan tòan có lý: tánh người vốn thanh tịnh, nhưng vì tham-sân-hận vì thất tình, lục dục che mờ nên mọi người đã quên mất cái thanh tịnh của chính mình, vì vậy cứ mê mải tự mình khuấy đảo thân tâm khiến cho mọi sự trở nên náo lọan không ngừng. Trong Kinh Kim Cang đức Phật cũng đã giải thích rất cụ thể:
"Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai"
Nghĩa là: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.


Như Lai không phải là Phật A Di Đà, cũng chẳng phải Phật Thích Ca hay một vị Phật nào khác, mà ngụ ý chỉ ra rằng: khi chúng ta giác ngộ được các tướng là hư giả, không thật, tất sẽ không chấp tướng rồi sanh khởi cao-thấp, hơn-kém, xấu-đẹp, thị phi… được vậy tâm chúng ta sẽ thanh tịnh và Phật tánh trong tâm mình sẽ hiện tiền.
Phật ở trong lòng hàm nghĩa cũng là vậy.

Lời kết

Thực ra Tọa Thiền và Thiền Định tuy nói hai nhưng ý nghĩa cơ bản cũng chỉ là một. Bởi tất cả các cảnh giới thiện-ác đều là sắc tướng, là hư giả, khi ta biết nó là hư giả rồi thì đừng chấp nhất, để tâm mình chạy theo nhưng hư giả đó rồi sanh khởi vọng niệm thiện-ác. Làm được như vậy (trong mỗi niệm, hằng phút hằng giây) là ta đã thấy được tự tánh thanh tịnh của chính mình và đó cũng chính là tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo. 

Như vậy xem ra học Thiền cũng vừa dễ vừa khó. Dễ khi ta thực tâm giác ngộ và tinh tấn thực hiện, và khó khi ta tìm đến thiền như một sự giải thoát, như một liều thuốc an thần mỗi khi ta cảm thấy thất vọng trước cuộc sống sô bồ vật chất và nội tâm...

Tới đây hẳn các bạn sẽ hỏi: Làm thế nào để tịnh tâm khi hành thiền? Câu trả lời cũng chính là câu hỏi: Tại sao phải hành thiền? Khi chúng ta giác ngộ được ý nghĩa và tầm quan trọng của Thiền trong cuộc sống (đời và đạo) ta sẽ không còn điều gì khúc mắc trong lòng và có thể tự tin để bước vào cuộc sống thiền định. 

Tọa Thiền hay Thiền Định không nhất thiết cứ phải ngồi xuống, hay ngồi bán già, kiết già mới là Thiền (ngồi chỉ là hình thức, và cho dù có ngồi kiết già trước mặt Phật, Chư Tổ, hay tại chùa, thiền viện… nhưng tâm vẫn mải mê theo đuổi những cảnh giới thiện ác, lòng vẫn đầy thị phi, chấp nhất… thì dẫu có tọa cả năm vẫn bằng thừa), mà khi chúng ta đã thấm nhuần được ý nghĩa của nó, chúng ta có thể áp dụng Thiền ở mọi nơi, mọi chốn, và trong mọi hoàn cảnh. 

Nói vậy hình như hơi hoang tưởng? Bởi giữa chốn phố phường, thị thành đầy ồn ào, nhức nhối, bon chen, thị phi và xô bồ vật chất ấy thì làm sao có thể Thiền Định nổi? Cũng chính vì lý do này mà trong các khóa hành thiền, các Tthầy thường khuyên các đệ tử nên ngồi xuống (bán già, kiết già) là nhằm giúp các đệ tử tạm thời dứt bỏ bớt những loạn động điên đảo, vọng tưởng trong tâm, rồi từ từ giúp cho tâm lắng xuống để thấy lại tự tánh của chính mình. 
Đó cũng chính là thiền tự tánh.

Các bạn thân mến! Hôm nay tôi đã dùng đôi chút kiến thức sơ mọn của mình để giải trình một vấn đề hết sức lớn lao, có liên quan tới hành trình dẫn tới Phật môn và môn thiền học nói chung. Với lòng mong mỏi gửi tới các bạn một thông điệp: Nhân bất thập toàn và cũng muốn phá tan những băn khoăn của không ít người khi nghĩ rằng: cứ phải ngồi xuống, phải lên chùa hay vào những nơi cùng cốc, hẻo lánh, xa cách hẳn thế giới giới loài người mới có thể tu thiền. 

Thực tế đã chỉ ra rằng: Người nào càng cố tìm cho mình một nơi thật thanh tịnh để ẩn náu, là người đó đang tự lừa dối, huyễn hoặc, chối bỏ sự tồn tại hiện hữu của chính mình giữa đồng loại, chi bằng ta dũng cảm đối diện với thực tế hiện tồn đó?

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh lục Tổ Huệ Năng dạy:
Tà đến thì chánh độ, mê đến thì ngộ độ, ngu đến thì trí độ, ác đến thì thiện độ, độ như thế gọi là chân độ.
Chúc các bạn có thể giác ngộ để tự độ chính mình.
Huệ Tâm
Hết

New Comments