Samstag, 1. Dezember 2012

Tự Ngộ Tự Độ

 "Các Thầy, các Minh Sư, cá Thiện Tri Thức chỉ cho chúng ta chiếc bè thôi, còn mình phải tự chèo, trống mới đến được bờ. Nếu mình chỉ thụ động ngồi trên bè, rồi thỉnh thoảng chờ các Thầy..."


(Trao đổi Phật Pháp về chữ ĐỘ)

Bạn thân mến,
Bạn nói: "Nếu chúng ta nói rằng mình độ cái này, độ cái nọ… có phải là chính mình đang mê không? Đang vọng ngôn không? Chúng ta làm sao có thể ĐỘ được cho ai?"

Vì thấy câu hỏi của bạn có giá trị rất lớn, có thể giúp cho nhiều người vốn đang bị vướng kẹt về chữ Độ và chuyện Độ (độ mình, độ người), sẽ cùng có cơ hội để khai mở thêm giác thức tu học của mình, nên tôi mạo muội viết những dòng chữ này để trao đổi cùng bạn về chữ ĐỘ của Đạo Phật. Có thể coi đó cũng là một nhân duyên lớn mà bạn đã tạo cho tôi, có được cơ hội để trao đổi cùng với bạn và tất cả mọi người cùng quan tâm, bởi qua một đôi lần trò chuyện, tôi thấy bạn có phần chấp Pháp nhiều quá. Có lẽ bởi bạn hình tượng hoá những từ ngữ của Phật và các Chư Tổ quá cao, tới mức siêu quần, do vậy (theo bạn nghĩ) những từ đó (Độ) chỉ xứng hợp với các bậc chân Sư, hay Thiện Tri thức – Những người có nhiều đức độ mới làm được, mới được phép nói tới những chuyện đó?
Nếu thực sự hiểu vậy là mình kẹt lắm, bởi đụng đâu cũng thấy kẹt, đụng đâu cũng không dám mở miệng… 
Chữ "ĐỘ" tôi đề cập thực ra nó hết sức đơn giản, và nó mang một ý nghĩa giáo dục chứ không hoàn toàn mang độc nhất ý nghĩa Đạo giáo. 
Sở dĩ mà mọi người kiêng, hay kỵ nói chữ "độ" vì chữ "độ" vốn bị lạm dụng và hiểu lầm tai hại. Ví thử tôi giúp bạn 2 triệu để bạn mua cái xe đạp đi làm. Chuyện giản đơn như vậy thôi, bạn cảm ơn tôi, tôi hoan hỉ nhận lời, và đôi bên cùng cảm thấy hoan hỉ. Vậy là đủ. Nhưng không, một mặt bạn lại luôn mang trong lòng sự hàm ơn tôi, rồi luôn tỏ ra, hay tìm mọi cách để đáp lại bằng được cái ơn đó… Vậy là bạn đã đặt mình vào tình trạng: Người Được Độ. Ngược lại tôi giúp bạn, xong thì thôi, nhưng tôi đi đâu cũng kể chuyện, đem ra khoe mẽ, tôi đã giúp bạn thế này, đã giúp bạn thế nọ, bằng không bạn sẽ không được thế này, thế nọ…vv… Vậy là tôi đã biến mình trở thành: Người Độ kẻ khác. Trong đời phàm, ơn huệ như vậy đã kể như khổ tâm lắm rồi, nhưng trong Đạo Phật thì như thế sẽ thành bệnh. Bệnh "độ" người, và bệnh người được "độ". 

Chuyện này thời nay xảy ra rất nhiều, mọi nơi, mọi trốn, trong cả giới phàm phu lẫn tu-hành. Vậy là chữ Độ của Phật nói đã bị mọi người lạm dụng, hoặc hiểu sai, rồi biến nó thành méo mó. 

Phật Thích Ca nói về chữ độ thế này: "Này Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Các ông chớ cho rằng đức Như-Lai nghĩ như vậy: Ta phải hoá độ chúng-sanh. Ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì thiệt không có chúng-sanh nào đức Như-Lai độ cả. Nếu có chúng-sanh nào mà đức Như-Lai độ đó, thì đức Như-Lai còn có tướng ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả" (Kinh Kim Cang Bát Nhã).

 Này Tu-Bồ-Đề! Nếu có vị Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân,
tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời chẳng phải Bồ-tát

Bạn thấy không? Ngay cả đức Phật cũng nói về chữ "độ" như vậy, vậy trong thế gian này ai còn được phép nói tới chữ "độ"?

Vậy chữ "độ" phải hiểu như thế nào? Phật nói với Tu-Bồ-Đề: Các vị Bồ-tát phải hàng phục tâm như thế này: bao nhiêu những loài chúng sanh, hoặc là noãn sanh, hoặc là thai sanh, hoặc loài thấp-sanh, hoặc loài hoá-sanh, hoặc loài có hình sắc, hoặc loài không hình-sắc, hoặc loài có tư-tưởng, hoặc loài không có tư-tưởng, hoặc loài chẳng phải có tư-tưởng, mà cũng chẳng phải không có tư-tưởng, thời Ta đều làm cho được diệt độ, và đưa tất cả vào nơi vô-dư niết-bàn. Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như thế, mà thiệt không có chúng-sanh nào là kẻ được diệt-độ cả. Tại sao vậy? Này Tu-Bồ-Đề! Nếu có vị Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời chẳng phải Bồ-tát" (Kinh Kim Cang Bát Nhã)

Ở đây tôi chỉ trao đổi cùng bạn về chữ "độ" bằng cách: đưa tất cả chúng-sanh vào Vô-dư Niết-bàn để diệt độ. Chắc bạn cũng biết: Chúng sanh không phải để chỉ riêng con người, hay sinh-súc-vật, mà để chỉ ngay cả niệm niệm ngu của chính chúng ta. Khi mình khởi một niệm bất thiện= niệm ngu=chúng sanh, vậy khi niệm đó khởi lên, mình phải quán chiếu được và đưa niệm đó trở về bản tính thanh tịnh (thanh tịnh=chính là vô-dư Niết-bàn chứ không phải đắc đạo rồi nhập Niết-Bàn) của chính mình, tất niệm chúng sanh đó sẽ được diệt độ. Như vậy là mình đã tự độ cho mình. Tương tự với người khác, trở lại ví dụ tôi giúp bạn 2 triệu nói trên. Nếu bạn khởi duyên cần phải thọ ơn tôi và tìm mọi cách để thọ ơn bằng được, hành động được độ (niệm đó)= niệm của chúng sanh. Nếu bạn biết được, bạn phải dập tắt nó ngay trong tự tánh của chính mình=Bạn tự độ cho mình. 

Cũng tương tự: Nếu tôi khởi lên một niệm muốn bạn phải hàm ơn tôi, rồi làm những chuyện kể trên, nhưng tôi không nhận biết ra được hành động đó (niệm độ người đó) là sai quấy, và bạn là người nhìn thấy, bạn nói với tôi: Bạn ạ! Bạn làm thế là sai rồi. Bạn giúp tôi mà bạn lại muốn tôi phải hàm ơn bạn, rồi bạn lại khoe khoang chuyện đó khắp thiên hạ, vậy là bạn đã chấp thiện mất rồi. 

Nghe bạn khuyên, tôi mới bừng tỉnh, vỡ lẽ việc tôi làm là sai và tôi vui vẻ cảm ơn bạn, để sửa đổi… Vậy thì hành động của bạn chính là giúp tôi diệt độ ý niệm sai quấy trong tâm của tôi. Như vậy chính là Độ. Nhưng bạn giúp tôi diệt độ (chấp thiện) rồi thì thôi, và liền sau đó bạn lại hoan hỉ cho cái sự "giúp tôi diệt độ" (việc chấp thiện) đó vào tự tánh thanh tịnh (tự tánh thanh tịnh chính là Niết-Bàn=Như-Lai=Phật) của mình, để cho nó tự diệt độ. Vậy là bạn đã tự độ cho mình và tự độ cho cả tôi nữa. Đó chính là Tự Độ và Độ Tha. Đơn giản như thế thôi, chứ đâu có hàm nghĩa cao xa mà bạn sợ nói đến từ "độ" như vậy?
Độ như thế đâu phải là mê? Mê là mình còn nhân, còn ngã, còn chúng-sanh, còn thọ-giả kìa. 

Bạn thử cân nhắc những lời tôi trao đổi xem nhé, có gì chúng ta cứ vô tư trao đổi để tăng thêm kiến thức. Các Thầy, các Minh Sư, cá Thiện Tri Thức chỉ cho chúng ta chiếc bè thôi, còn mình phải tự chèo, trống mới đến được bờ. Nếu mình chỉ thụ động ngồi trên bè, rồi thỉnh thoảng chờ các Thầy tác động cho vài "chưởng lực" giúp cho mình trôi, tôi nghĩ sẽ thực sự nguy hiểm. Và cái bến mà mình muốn tới nó sẽ là cái bến của sự ảo vọng…
Chúc bạn thân tâm thường an lạc và tinh tấn hơn nữa trên bước đường tu Đạo của chính mình.
Thân mến
Huệ Tâm

New Comments