Donnerstag, 25. Oktober 2012

Nhân Quả Tuần Hoàn - Phần I

Vollbild anzeigen " Làm thế nào để xoá tan được mối lo âu nguy hại và luôn có nguy cơ xâm lấn cuộc sống tinh thần của mình và những người trong gia đình mình? ..."

(Trao đổi Phật pháp)



Chào chị Thanh Tuyen,

Rất vui khi chị vào thăm trang Phật Pháp Ngocmyduyen và để lại comment. Tôi thực sự chia sẻ những mối quan ngại, âu lo của chị. Thực tế một người rơi vào hoàn cảnh của chị mà nói: tôi vẫn có thể ngồi tụng kinh, ngồi Thiền được như thường, xem ra chỉ là nói dối.
Nếu đem triết lý của Phật mà giải, thì mọi sự việc diễn ra trên cõi đời này đều là nhân duyên mà nên. Câu chuyện của cá nhân và gia đình chị cũng có thể lý giải theo biện chứng đó. Tuy nhiên, sự việc của chị (chuyện nợ nần quá độ…) ta nên giải biện theo góc độ ngoài đời, xem ra hợp lẽ hơn cả.

1. Góc độ đời

Chúng ta thường nghe câu: có vay ắt có trả. Điều này hoàn toàn logic. Vấn đề cần đặt ra ở đây là mình vay để làm gì? Và liệu khi vay mình có đủ khả năng, trách nhiệm để trả món nợ đó hay không? Điều này nên và phải được đặt ra trước lúc mình vay, mượn thì sẽ dễ lý giải hơn. Vay, mượn, theo tôi nghĩ nó rất đơn giản. Với người Việt mình nhiều khi hai từ này còn bị đơn giản hoá đến độ: vô lo. Thực tế không phải vậy, nhất là với người Việt mình thì chuyện vay, mượn mặc dù được coi là rất đơn giản, nhưng thực tế nó lại vô cùng phức tạp, nhiều khi, cả người cho vay, và người được vay cũng không thể lý giải nổi (chưa nói tới chuyện nợ đã trả xong, nhưng cái ơn huệ vẫn còn tồn tại nhiều khi tới hết kiếp…). Đơn giản là: chúng ta – cả người cho vay và được vay đều chưa xác định rõ vị trí trách nhiệm liên đới của mình, vì vậy tự chúng ta đã tạo cho mình (nhiều khi) một sự buông thả hay coi nhẹ chuyện vay, mượn, từ đó đã tạo cho mình một nỗi lo, sự khủng hoảng tâm lý, niềm tin và danh dự… Kết lại: sự việc đã xảy ra, mình là người liên đới, tất mình phải tỉnh táo, dũng cảm đối diện thực tế để giải quyết sự việc cho đến khi vãn hồi, và quan trọng hơn cả: ta đừng để chuyện đó lôi kéo mình lần thứ hai.

 Nhiều tiền là được giải thoát?

2. Góc độ Đạo

Nếu coi chuyện chị và gia đình đang phải gánh (món nợ) là nhân duyên mà thành thì cũng không sai. Nhưng duyên ấy theo tôi nghĩ: nó không phải vì số kiếp mà mình phải gánh chịu, mà có lẽ vì một sự quyết đoán vội vã, thiếu cân nhân trong cuộc sống, nên mình đã lâm vào tình cảnh như vậy. Do vậy ta nên quán chiếu sự việc một cách sáng suốt hơn: đó là cái duyên bất an, bởi nó mang lại cho chị và gia đình một mối lo âu không bờ bến. Làm thế nào để xoá tan được mối lo âu nguy hại và luôn có nguy cơ xâm lấn cuộc sống tinh thần của mình và những người trong gia đình mình? Tôi nghĩ đó là một việc thực sự nan giải. Trước hết chị phải xác định được mình đang vướng mắc ở Tâm hay Thân hay Ý. Thông thường khi Tâm bất an sẽ dẫn đến Ý cũng sinh loạn, kế đó khiến Thân sanh bệnh. Chị hiện giờ đang trong tâm trạng Tâm bất An. Vì sự bất an nên sinh lo âu triền miên, những nỗi lo không thể tức thì giải quyết, nhưng vẫn tràn ngập trong Tâm, vì thế Ý sẽ sinh loạn, và đương nhiên Thân sẽ chẳng yên. Do vậy dẫu chị có muốn ngồi tụng kinh để cầu an, nhưng kết quả chẳng bao giờ được như ý. Vấn đề sẽ trở nên đơn giản, và có thể giải quyết dần từng phần nếu chị xác định được rõ ràng cho mình một giới tuyến và những câu hỏi sau:
a. Ngồi tụng kinh làm gì? b. Tụng kinh vào lúc nào? c. Kinh pháp nào có thể giúp cho mình tịnh tâm?

Giải đáp:

a. Trước hết ta phải ngộ một điều: Kinh pháp không thể coi là bùa ngải hay thuốc an thần, mà kinh pháp chỉ là một phương tiện giúp cho chúng ta thấu hiểu triệt nguồn mọi vấn đề trong đời, từ đó tìm cho mình một lối thoát (sự giải thoát). Tại sao gọi đó là sự giải thoát? Nhiều người nghĩ: Tụng kinh, hoặc tụng thật nhiều kinh Phật, sẽ có ngày được hưởng tài nọ, lộc kia, hay cầu gì, được nấy… Thực tế không phải vậy. Mặc dù trong kinh Pháp chúng ta thường nghe, đọc thấy những câu đại loại: Nếu ai thường tụng, trì kinh này 108 hay 1200 biến hoặc ngàn vạn biến; hoặc hàng ngày thường trì danh đức Phật này, đức Phật nọ… tất sẽ cầu gì được nấy; cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu duyên đắc duyên, cầu giàu sang phúc quí đều được đắc nguyện…v.v. Thực tế có đúng như vậy không? Những lời Phật nói, dạy, hoàn toàn không có sự hư dối. Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta có thể đạt được sự viên mãn đó? Điều này lại phụ thuộc vào sự Giác Ngộ của chính chúng ta. Sao gọi là giác-ngộ? Giác là tỉnh, ngộ là thấu. Nếu chúng ta tỉnh-thấu được những lời Phật dạy, tất ta sẽ thấy: thân Tứ Đại của con người là điều đáng quý nhất trên đời – con người có thể tạo ra vạn vật, vậy mà đến một lúc nào đó nó cũng tan, chìm vào mây khói, cát bụi. Vậy thì trên đời còn có điều gì đáng để chúng ta phải lưu tâm? Nhà cửa ư? Tiền tài ư? Lợi danh ư?... tất cả những thứ đó khi mình thác mạng cũng đâu thể mang theo? Vậy thì tại sao mình cứ phải lao mình vào những chuyện lợi danh đó? Triết lý của Phật là vậy, nhưng chúng ta là con người bằng xương, bằng thịt, mình không thể lý giải qua loa như vậy được, bằng không, người đời sẽ cho mình là lập dị. Tuy nhiên, nếu như mình biết vận dụng kinh pháp để quán chiếu sự việc trong đời, tất mình sẽ biết độ dừng, và sẽ tìm được cho mình một điểm dừng thích hợp nhất. Bằng không mình sẽ mê mải lao vào cuộc sống bon chen, thị phi rồi để cho cuộc sống ấy vùi dập tới không gượng mình lên được. Trở lại chuyện trì kinh nói trên. Nhiều người sẽ thắc mắc: sao tôi làm đúng như vậy thậm chí còn nhiều hơn thế mà chẳng thấy được cái gì cả. Nghèo vẫn hoàn nghèo, vất vả long đong vẫn hoàn vất vả long đong… Đây là một sai lầm lớn và vô cùng nguy hiểm của chúng ta, đó là sự dựa dẫm vào kinh pháp để trục lợi. Phật dạy: ta năng trì kinh, năng niệm hồng danh các đức Phật. Ta hãy làm điều đó, nhưng phải làm với cái Tâm trong sáng của chính mình, nghĩa là không có sự vụ lợi (niệm, tụng để được “lại quả”). Thứ nữa: Đã tụng kinh rồi, đã niệm hồng danh đức Phật rồi, chưa phải đã tròn đạo Phật, trái lại chúng ta còn phải hiểu một cách thấu đấu những ý trong kinh Phật, và phải không ngừng quán chiếu và thực nghiệm. Miệng tụng, Tâm hành chính là điều đó. Ví thử: hàng ngày chúng ta thường tụng kinh rất đều đặn, rất đầy đủ theo đúng lễ nghi, nhưng sau khi rời khỏi toạ cụ, là chúng ta lại để cho Tâm của mình chạy theo đủ những thứ tham-sân-hận ngoài đời, rồi để cho những thứ đó lôi kéo, khuynh đảo cho tới thị phi. Như vậy, việc tụng kinh của chúng ta hoàn toàn vô bổ. Đây chính là mấu chốt mà tôi muốn chia sẻ cùng chị: Kinh Pháp giống như một con thuyền (chỉ là phương tiện), trên con thuyền là chúng ta (ta dùng phương tiện ấy), còn việc chèo chống được tới bờ bên kia hay không lại phụ thuộc vào chính chúng ta chứ không phải ai khác. Thực tế: Phật không thể giúp cho ta giàu có, nếu như kiếp này ta chỉ lo trục lợi, chơi bời, hay làm những chuyện trái đạo, nhưng Phật có thể giúp chúng ta đạt được sự viên mãn trong cuộc sống. Viên mãn không phải là sự giàu có, sung túc, không phải là học vị uyên thâm, cũng không phải là sự quyền cao, danh giá… mà viên mãn chính là sự An Nhiên Tự Tại trong Tâm – Tâm không vướng bận chuyện ân-oán, đen-trắng, giàu-nghèo, hơn-thiệt, phải-quấy… Chị hãy thử hình dung: trong một ngày nếu chị không phải nghĩ tới những chuyện phải quấy, thị phi, giây phút ấy tâm mình có được an nhiên? Sự An Nhiên đó liệu mấy ai có được trong cuộc sống hiện thời? Và liệu chúng ta có được bao nhiêu phút trong ngày? Và bao nhiêu ngày trong tuần? Bao nhiêu tuần trong tháng và tương tự, bao nhiêu tháng trong năm? Cứ vậy mà nhân lên, mình sẽ thấy Tâm của mình đang ở trạng thái nào? Ta thử hình dung: Một bữa tiệc bày ra thật thịnh soạn, với đủ sơn hào, hải vị, nhưng trong lòng mình lại đang tan nát những chuyện buồn phiền của gia đình, liệu mấy ai đủ dũng khí để ngồi ăn ngon lành bữa tiệc đó? Hàng ngày chị cũng có những bữa tiệc - những giây phút chị ngồi tụng kinh trước bàn thờ Phật. Tuy nhiên những bữa tiệc này đều bị những loạn động xung quanh quấy nhiễu khiến tâm của chị bị phẫn loạn. Loạn tâm là một chứng nguy hiểm nhất trong cõi Phật. Nếu mình không biết cách khắc phục kịp thời sẽ hết sức nguy hiểm, đặc biệt trong những lúc chúng ta ngồi tụng kinh, hay ngồi thiền. Để khắc chế hiện tượng này thực sự rất đơn giản.

Huệ Tâm  
(còn tiếp)
    



New Comments