Freitag, 19. Oktober 2012

Thiện-Ác Buông Xả


"Biết đó là Thiện, tất phải nên làm. Làm xong rồi thì buông xả. Không cần mảy may tơ vương, nhung nhớ, hay mong cầu hàm ơn, hay đền đáp – Đó chính là Thiện..."

Trong Thiện có Ác. Trong Ác có Thiện.

Lục Tổ Huệ Năng ngày xưa cũng từng nói: Người tu đạo chân chính là người phải biết xa lìa cái ác, và quyết tâm chỉ hành việc thiện. Người sơ tu lại càng nên tinh tấn để thực hành điều đó. Nhưng càng tu-hành lâu năm thì Thiện-Ác cũng đều phải buông cả. Bằng không chính mình sẽ bị kẹt chặt giữa đôi đường.
Thoạt nghe, mình thấy vô lý quá (Hệt như nhiều người bảo: Đạo Phật nó mơ hồ lắm, bởi cái gì cũng thấy nói Không hết). Bảo bỏ ác, giữ thiện là dĩ nhiên, và OK quá còn gì? Nhưng sao lại phải bỏ cả hai? Vậy thì tu cái gì? Đây là điều mà chúng ta rất dễ lầm lẫn và cũng là sự viên diệu của chữ Không.
Thời này để nhất tâm chuyên hành việc Thiện đã là vô cùng khó. Khó không phải chúng ta không làm được, mà khó là vì chúng ta còn tham-sân-si = mê mải lợi danh, bon chen, đố kỵ… vì thế nên nhiều việc Thiện, tuy rất nhỏ, ta có thể làm, thậm chí có thể làm viên mãn, nhưng vì còn mải mê so đo, còn tính chuyện hơn-thiệt, cao-thấp, đen-trắng… nên ta bỏ qua tất cả.

Ta thử lấy một ví dụ tình huống thế này:

Trên một chuyến xe buýt nọ, giờ tan tầm, xe đông, hành khách chen chúc lẫn nhau. Những hành khách đang ngồi trên xe nhìn thấy một ông (bà) cụ run rẩy bước lại gần mình và có vẻ muốn tìm chỗ ngồi, nhưng mọi người đều vội vàng hoặc lảng nhìn nơi khác, hoặc giả đang chăm chú đọc báo, hay trò chuyện say mê với bạn đồng hành. Trong số đó có ta, là hành khách đang ngồi trước mặt ông (bà) cụ. Một cuộc đấu tranh tư tưởng chớp nhoáng sẽ hiện ra trong tâm: Một, ta động lòng chắc ẩn, vội nhổm dậy để nhường chỗ cho ông (bà) cụ nọ ngồi. Hai, ta cũng tảng lờ như những người xung quanh, bằng cách nhìn đi nơi khác, hoặc ta sẽ giả vờ gà gật ngủ. Cả hai giả thiết này xét ra cũng rất hợp lý, bởi ta lên trước, tất phải được ngồi đàng hoàng. Thứ nữa, mình không nhường chỗ, biết đâu sẽ có người khác nhường? Thứ ba, nếu mình nhổm dậy nhường, biết đâu sẽ có kẻ khác, nhanh chân, ngồi tọt vào chỗ đó, hoặc đám hành khách xung quanh sẽ chun mũi, cười và bảo mình bị dở người…
Vậy là một hành vi, một việc thiện rất nhỏ, trong tích tắc, nếu ta quán chiếu được tâm, chắc chắn ta sẽ làm việc đó một cách không cần cân nhắc bằng cách: Đứng dậy, dắt tay ông (bà) cụ nọ ngồi vào chỗ của mình. Và ta sẽ đứng chung cùng những hành khách khác cho tới cuối hành trình. 
 
 Ảnh mang tính minh hoạ 

Chẳng cần nói nhiều, nếu ta làm được việc đó, tất trong tâm ta sẽ hoàn toàn nhẹ nhõm và thanh thản, thậm chí còn có đôi chút tự hào. Chuyện chỉ vậy là phải kết thúc. Tại sao phải kết thúc? Giả như ta làm được chuyện nhường chỗ đó trong giây phút, mà không cần đón nhận sự hàm ơn của ông (bà) cụ nọ, dĩ nhiên ta có quyền tự hào về điều đó, bởi đó là một việc Thiện – Một việc mà tất cả những người xung quanh mình không làm nổi. Nhưng niềm tự hào ấy chỉ được phép diễn ra trong tích tắc, rồi phải lập tức buông xả. Nếu ta buông xả ngay được chuyện đó, tất ta đã biết quán chiếu để hành tâm Thiện, và đương nhiên, khi gặp những sự việc tương tự, ta cũng rất dễ dàng để xử lý, đón nhận một cách bất vụ lợi. Đó là phản ứng Thiện thuận.

Nhưng diễn tiến câu chuyện sẽ không dừng ở việc buông xả. Tại sao phải buông xả? Đây là câu hỏi nhiều khi thật khó lý giải cho người đời, đơn giản là: Có công, tất phải có sự thụ hưởng (bởi đời mấy khi có công mà vô thọ lộc?) Bằng không nó sẽ bất công với chính bản thân mình?
Với người đời, lý luận trên có thể chấp nhận được, nhưng với người Tu Đạo thì đó chính là chướng nghiệp, bởi ta đã phạm vào tội chấp Thiện. Sao lại chấp Thiện? Thiện là việc nên làm, và ta đã làm. Tại sao lại phải quay lại để chất vấn hành vi của chính mình? Như vậy không phải bệnh hoạn (như người đời thường nghĩ, ví) lắm ư? Thực tế không phải vậy. Sở dĩ gọi là chấp Thiện, vì chấp, nên mình không chịu buông xả hành vi nhường chỗ vừa rồi, rồi một mặt, lòng dạ hỉ hả trong suốt chặng hành trình; mặt khác, về nhà, đến sở, đi đâu, gặp ai mình cũng đem câu chuyện nói trên ra để kể lể, để khoe khoang, thậm chí còn thêu dệt thêm tình tiết, để câu chuyện thêm ly kỳ, để chứng tỏ thêm cho hành vi cao thượng của mình… Vậy là, từ một việc Thiện rất nhỏ, nhưng vì chấp nhất (muốn người khác biết đến mình; muốn người khác phải hàm ơn mình…) nên chỗ nào, nơi đâu, hễ có cơ hội là mình đều nhắc lại câu chuyện nọ. Đức Phật dạy: „Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đáp trả là thi ân có mưu tính“. Chiếu xét lời dạy của Phật, ta thấy, mình không những muốn mọi người biết đến, thậm chí, còn muốn được báo đáp. Mà như thế đâu còn gọi là Thiện, là Thi Ân nữa. Đấy là chưa kể tới việc khi được nhường chỗ, ông (bà) cụ nọ vội vàng ngồi tọt vào chiếc ghế vừa bỏ trống, rồi vì vội vã mà quên nói một lời cảm ơn với người vừa có một hành vi Thiện nguyện. Liệu lúc ấy ta có đủ bình tĩnh để quán tâm, để đối phó với những ánh mắt, những lời dè bỉu, những nụ cười „đểu“ của đám hành khách xung quanh? Hay ta sẽ lập tức nổi sân? Hay ta sẽ hậm hực trong suốt chặng hành trình? Rồi về tới nhà lại vội vàng đem câu chuyện vừa xảy ra để kể lể, với những lời lẽ hằn học, đầy tính thiệt hơn. Hoặc kế đó đi đâu, hễ gặp ai, ta cũng đều đem câu chuyện nhường chỗ trên xe buýt để kể lể, thăm dò mọi người, với hy vọng được chia sẽ, được cảm thông, được khen ngợi…v.v. Tất cả những việc trái ngược như vậy chính là từ Thiện đã biến thành Ác. Trong Thiện có Ác đơn giản là vậy.

Ảnh mang tính minh hoạ 
Vậy còn trong Ác có Thiện? Người biết quán chiếu là người biết lý giải được Thiện-Ác. Biết đó là Thiện, tất phải nên làm. Làm xong rồi thì buông xả. Không cần mảy may tơ vương, nhung nhớ, hay mong cầu hàm ơn, hay đền đáp – Đó chính là Thiện. Nhưng ngược lại nếu dùng chính cái Thiện đó để mong cầu sự báo đáp – Đó chính là Ác. Biết tâm mình đã chót chấp nhất, chót nổi sân-hận… nghĩa là tâm mình đã lại biết hướng Thiện. Khi ngọn lửa Thiện lại được khởi sáng trong tâm, nghĩa là ta đã biết quán chiếu để biến Ác thành Thiện. Đơn cử một phản ứng tâm lý của việc nhường chỗ nói trên: Khi bị mọi người chun mũi cười, khay khích bác; khi ông (bà) cụ nọ quên không cảm ơn mình một tiếng… mình thấy bực tức, khó chịu, thậm chí muốn làm việc gì đó cho hả giận… Tất thảy những niệm niệm đó chính là Ác. Với người đời, chuyện này là lẽ thường tình, nhưng người Tu Đạo, những niệm niệm Ác đó chỉ được phép xảy ra trong chớp nhoáng rồi phải lập tức được quán chiếu để buông xả ngay. Một niệm Thiện buông xả đã khó, nhưng dễ dàng hơn. Một niệm Ác buông xả càng khó hơn gấp bội. Nhưng nếu ta hiểu được Thiện-Ác tất thảy cũng chỉ là Sắc=Không tất ta sẽ dễ dàng buông xả nó. Bằng không, ta không chỉ chấp nhân gian, chấp thế nhân tục loạn, mà còn quay lại để chấp chính bản thân mình – Chấp Ngã là căn bệnh nguy hiểm và tệ hại nhất của người Tu Đạo Phật.

"Sắc tức thị không, không tức thị sắc
Sắc bất dị không, không bất dị sắc…"
Chấp Thiện=Sắc; Chấp Ác=Sắc. Chỉ có buông xả cả Thiện-Ác=Tứ Đại Giai Không.
Biết vậy, nhưng làm thì khó lắm thay!
Huệ Tâm

New Comments