Samstag, 20. Oktober 2012

Niệm Phật Điều Tâm

Vollbild anzeigen"Thực ra là người thì ai trong mỗi chúng ta không ít thì nhiều, cũng đều phạm phải sai lầm. Vấn đề quan trọng ở đây là liệu chúng ta có biết nhận ra những sai lầm đó để sửa hay không?..."


(Trao đổi cùng một đạo hữu)

Bạn thân mến,

Rất vui khi bạn vào thăm và để lại comment, đặc biệt mình cũng rất hoan hỉ khi biết bạn là người quan tâm tới Phật Pháp, điều này đã thể hiện bằng chính những hành động cụ thể của chính bạn: Niệm Phật Điều Tâm.

Niệm Phật Điều Tâm là một mấu chốt rất cơ bản cho một người Tu Đạo Phật bạn ạ. Kiến thức Phật Pháp thì vô lượng, vô biên và uyên thâm không kể xiết. Bản thân mình cũng chỉ mới học hỏi và thấu ngộ được ít nhiều, từ đó mình cũng mạo muội viết lên những suy nghĩ của cá nhân để trao đổi, học hỏi thêm từ các bậc Thiện Tri Thức và các đồng đạo, cùng các bạn khác quan tâm đến Phật Pháp. Cái khó của chúng ta là mình đang sống kiếp trần tục (Tu tại gia), do vậy không thể tránh khỏi những xáo trộn, va vấp, nảy sinh… - gọi chung là tham-sân-hận trong đời. Thông thường nếu ta chưa học Đạo, chắc ta cứ mê mải sống mãi với những tham-sân-hận đó, rồi cứ ngày qua ngày, những thứ đó thay nhau chồng chất trong tâm của chính mình. Nếu để lâu sẽ trở thành chứng: Suy Tâm. Người không biết, tất phải tới nhờ các thầy thuốc chẩn trị, xa hơn, nếu để chứng đó tự phát, rất có thể chúng sẽ khiến cho cuộc sống nội tâm, tinh thần của chúng ta bị đảo lộn, nhiều khi vô phương cứu chữa. Đó là căn bệnh của Tâm, mà đã là Tâm bệnh thì không ai có thể giúp mình trị liệu được, bởi thân bệnh các thầy thuốc, hoặc chúng ta có thể nhận ra được, còn Tâm bệnh thì ngoài ta ra, không ai có thể biết ta đang nghĩ, đang toan tính điều gì… Do vậy, chỉ còn giải pháp duy nhất là việc: mình tự giải cứu (tự giúp) chính mình. Trong Đạo gọi là: Mình tự Độ mình.

http://rungthienvienkhong.files.wordpress.com/2011/05/duc-phat-thich-ca-41.jpg?w=604&h=451&h=451
 Ảnh mang tính minh họa (Nguồn: NET)

Chúng ta có được cơ duyên đến được với đạo Phật, và học đạo, hiểu, thấm nhuần được nhân quả, biết và lý giải được đâu là nguồn cội dẫn đến tham-sân-hận... rồi từ đó biết tự soi rọi Tâm mình để tự quán chiếu. Sự tinh tấn thắp sáng ngọn lửa trong Tâm của chính mình để quán chiếu, giúp cho tâm của mình được thanh tịnh (xa rời vọng động điên đảo của cuộc sống phàm tục, xa rời tham-sân-hận) chính là cái đích mà những người học đạo, tu đạo đều muốn hướng tới. Tuy nhiên, không phải ai trong mỗi chúng ta cũng đều dễ dàng vượt qua và đạt ngay được những cảnh giới đó. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chốt lại vẫn chỉ có một: Bệnh Chấp. Sao gọi là bệnh chấp? Rải rác trong những comments của mình, mình cũng đã trao đổi và lý giải phần nào về căn bệnh này. Tuy nhiên, không phải ngay lập tức chúng ta có thể vượt qua được những điều đó một cách dễ dàng. Ngay bản thân HT, nhiều khi gặp những chuyện bực mình, không vui, nhiều khi do những tác động xung quanh gây nên, mình cũng vẫn nổi xung như thường, nhưng ngay tức thì mình đã phải tự „hạ hoả“ để điều Tâm. Và đã „tự phê“: mình lại sai quấy mất rồi. Hành động „tự kiểm thảo“ Tâm mình đã khiến mình tỉnh táo, bình tĩnh hơn khi đối diện với những chuyện, những sự kiện tương tự. Từ đó mình cảm thấy hoàn toàn tự tin trong mọi giao tiếp của cuộc sống. Đây chính là cảnh giới của thiền định. Nghĩa là trong động mà ta vẫn sống được với tự tánh thanh tịnh của chính mình. Thực ra là người thì ai trong mỗi chúng ta không ít thì nhiều, cũng đều phạm phải sai lầm. Vấn đề quan trọng ở đây là liệu chúng ta có biết nhận ra những sai lầm đó để sửa hay không? Hay là chúng ta cứ buông thả thân-tâm, rồi để cho những vọng động trần tục khuynh đảo? Tu là để Sửa. Nếu Tu mà nhất quyết không Sửa thì kể như việc mình múc nước đổ xuống giếng vậy. Điều Tâm là một phương pháp rất cơ bản và tinh lợi – Một món ăn tinh thần mà chúng ta cần phải hưởng thụ. Nhưng hưởng thụ bằng cách nào? Và làm sao để hưởng thụ nó một cách trọn vẹn – điều này phụ thuộc và sự giác ngộ và tinh tấn của mỗi chúng ta.
Chúc bạn luôn an lành và tinh tấn trên bước đường mà bạn đã chọn.
Huệ Tâm, 07.06.2012

New Comments