Sonntag, 21. Oktober 2012

Thắp sáng tâm chánh niệm

Bild Musik-Blumenkerze, Kerze H: 10 cm Happy Birthday Geburtstag "Bạn đã có sẵn tiềm duyên với nhà Phật, vậy bạn hãy ráng vươn mình về phía trước, nơi ấy chính là ánh sáng của đạo Pháp đang chờ đón bạn, có nó bạn sẽ vững tin hơn để dũng mãnh bước vào con đường chánh đạo – con đường mà lâu nay, trong bạn còn thoắt ẩn, thoắt hiện..."

(Thư trao đổi cùng bạn Minh Tiến)
 Bạn Minh Tiến thân mến,

Cảm ơn bạn đã vào thăm trang Phật Pháp và có comment chia sẻ. Theo những lời bạn tâm sự mình có thể trao đổi cùng bạn bằng một số ý nhỏ như sau.


I


Nếu lấy triết lý của Phật để lý giải, thì mọi chuyện trong nhân gian đều là duyên, do duyên mà khởi, mà tạo thành. Chính vì điều đó, qua những sự việc mà bạn tâm sự: thích đọc, tụng kinh từ nhỏ; thích làm việc thiện, thương kẻ nghèo khó; trong lòng cảm thấy đau xót khi nhìn thấy cảnh sát sinh... ta có thể lý giải: đó chính là nhân duyên - cái duyên tiền định của bạn với Phật. Mặc dù bạn khẳng định là bạn không hề ăn chay, hay niệm Phật. Trong đời có rất nhiều người giống như bạn, mặc dù họ không hề có ý nghĩ một ngày nào đó mình sẽ phải ăn chay, sẽ phải niệm Phật, hay phải tu tại gia, hay xuất gia... thì mình mới thực sự có duyên với Phật. Thực tế không hẳn như vậy. Bởi trong đạo Phật, Tu mới chỉ là hình thức, còn Hành mới là trọng yếu. Tu và Hành vốn luôn phải song song, luôn tác dụng tương hỗ cho nhau. Sở dĩ HT khẳng định là bạn đã có sẵn cái duyên với Phật, bởi chỉ những người có duyên với Phật mới khởi Tâm làm những điều chánh niệm như vậy. Có điều, cái duyên ấy nó là cái duyên tiềm ẩn (có thể từ nhiều đời, nhiều kiếp trước, bạn đã là người tu Đạo Phật), nhưng kiếp hiện giờ, vì một lý do nào đó, trong cuộc sống phàm trần, cái duyên ấy đã vô tình bị che khuất, để rồi, những chánh niệm trong Tâm (tâm Phật) của bạn lúc ẩn, lúc hiện (không rõ nét), nhưng cái Tâm Chánh Niệm trong bạn vẫn luôn hiện hữu, nhưng là thế nào để cái Tâm Chánh Niệm ấy từ nay và mãi mãi về sau luôn được hiện tồn và thắp sáng? Điều này lại phục thuộc vào chính nơi bạn: Bạn có thực sự muốn thắp sáng Tâm Chánh Niệm của mình không? Hay bạn chấp nhận để cho cái tâm ấy lúc ẩn, lúc hiện? Nếu có thì bạn sẽ phải làm gì? Đó là cả một dấu hỏi lớn đang đợi bạn trả lời. Đây cũng chính là lý do để lý giải tại sao bạn không ăn chay, không niệm Phật, nhưng bạn lại luôn có, luôn khởi những niệm thiện. Thực ra trong cuộc sống hiện nay, với người đời, để mình luôn có một trái tim nhân hậu là vô cùng khó, và gian lao, thậm chí phải quả cảm nữa mới có được, và đôi khi mình sẽ phải trả cho sự phấn đấu đó một cái giá nào đó. Tương tự, trong đạo Phật cũng vậy, để khởi, thắp sáng được Tâm Phật của chính mình là cả một thử thách gian lao (Đạo Phật được xem là một đạo tu khổ hạnh nhất trong các đạo pháp của thế gian), nó không chỉ đòi hỏi nơi chúng ta một trái tim nhân hậu, mà còn đòi hỏi ở một đức tính tự tin, kiên nhẫn không mỏi mệt (còn gọi là tinh tấn). Làm được như vậy, may ra chúng ta mới đạt được một cảnh giới nào đó của kiếp tu hành. Đây cũng chính là lý do khiến cho nhiều người trong thế gian lo ngại, thậm chí hoảng sợ khi nghĩ tới chuyện tu-hành này. Đơn giản là: cuộc sống hiện sinh có quá nhiều điều mới lạ, đáng, nên phải hưởng thụ… và để hưởng thụ được, con người chúng ta luôn phải mê mải để đeo đuổi, tìm mọi phương sách, mánh mung… để gom góp, tạo dựng, chụp giật… để đem về hưởng dụng. Ta hãy thử nhìn ra xung quanh mình để thấy rằng: nhiều người giầu, thậm chí rất giầu có nhưng tại sao họ vẫn luôn sống trong lo âu, phiền muộn, trong hoảng sợ khôn nguôi? Cội gốc chính là sự tham-sân-si mà ra. Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã có câu này:

Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai Dịch nghĩa: Phàm những gì có sắc tướng đều là hư giả. Nếu đừng chấp cái hư giả ấy tất sẽ thấy được Như Lai.



Vậy cái gì là hư giả? Nếu hiểu theo triết lý của Phật thì mọi sự trên thế gian này đều là nhân duyên hợp giả. Bởi ngay cả cái thân của chúng ta (thân Tứ Đại) cũng là hư giả, nghĩa là có đấy, nhưng rồi nay mai thôi cũng trở về với cát bụi. Cái thân của con người vốn được coi là quan trọng nhất (bởi nó làm nên thế gian) mà nó còn như vậy, cớ làm sao ta lại mê mải đeo đuổi những ham muốn tầm thường, để rồi bị những ham muốn đó hành cho tới điên đảo??? Nói thì giản đơn như thế, nhưng ở đời, với một người phàm nó là một bài toán vô cùng nan giải, bởi ta còn vướng với đời là ta còn đụng, còn chạm, còn ham muốn, còn tất tật… - đó là lòng tham của con người. Nhưng làm sao để khống chế được những ham muốn đó? Lúc này ta thực sự phải dùng tới ý trí của chính mình. Đời đã vậy, Đạo cũng tương tự. Để thoát ra khỏi tham-sân-hận, ra khỏi sự ngu mê, chỉ còn cách phải Tu, phải Hành và phải tự thân quán chiếu và tinh tấn thực hiện. Trở lại chuyện của bạn: bạn đã có sẵn cái duyên lành với Phật. Vậy bạn hãy thử cân nhắc xem: mình có nên thổi bùng ngọn lửa đó để thắp sáng cái Tâm Phật của mình không? Theo HT là rất nên. Bởi làm như vậy là chính bạn đã xua đi đám mây đen còn vật vờ, che khuất chính bạn, để rồi đôi lúc bạn chợt giật mình, tự hỏi: mình đang làm gì vậy? Mình làm đúng hay sai?...v.v. Do vậy chỉ khi nào Tâm Chánh Niệm của bạn luôn được thắp sáng, lúc đó bạn sẽ không còn mảy may phải lo âu, hoảng sợ, hoài nghi những việc làm của chính mình. Tất cả chúng sinh, khi sinh ra đều có sẵn Tâm Thiện và Ác. Sự thiện-ác nhiều hay ít phụ thuộc vào sự điều trí của mỗi chúng sinh.
II


Riêng chuyện buồn trong gia đình bạn, quả thực đó là một chuyện buồn. Chuyện buồn ấy ta có thể nhìn nhận từ hai góc độ: Đời và Đạo.


a. Đời: mọi sự đảo lộn trong cuộc sống gia đình (ông bà, cha mẹ, con, cháu… ) đều xuất phát từ con người mà ra cả. Những bất đồng trong gia đình, giữa thế hệ nọ với thế hệ kia, đều có nguyên nhân và cách giải quyết của nó. Tuy nhiên, để giải quyết thấu đáo mọi vấn đề, nó đòi hỏi ở tấm lòng và trí năng của mỗi thành viên trong gia đình. Bạn hãy hình dung: một căn nhà bị mưa dột, nếu cả nhà cùng hợp sức để sửa chữa lại nơi bị hư hỏng, tất căn nhà sẽ trở nên ấm cúng như thường; ngược lại, nó sẽ trở thành một căn nhà hư dột hoàn toàn. Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự hư dột của căn nhà? Câu trả lời: những chủ nhân của căn nhà đó.

b. Đạo: mọi chuyện đều do nhân duyên. Mà đã là duyên thì có lành, có dữ. Người hợp nhau, biết cư xử với nhau bằng lý lẽ, bằng cái tâm Phật của chính mình, tất chuyện to sẽ biến thành nhỏ; chuyện dữ sẽ biến thành lành; nỗi đau sẽ dần được nguôi ngoai… Khi tất cả những điều trên đã xảy ra mà vẫn không cân bằng được mối quan hệ trong gia đình, tất sẽ có chuyện cãi vã, xung đột, kẻ đi, người ở… Ở đời, chuyện sanh-ly-tử biệt vốn không thể tránh và níu kéo và nó vốn là hư giả, bởi nó có đấy, nhưng rồi mai, mốt… nó cũng lại ra đi, cũng trở về với cát bụi. Hiểu như vậy là để cái Tâm của mình không còn bị giằng kéo, đan xen, để rồi mình phải lao tâm về những chuyện vốn không thể hàn gắn. Làm như vậy cũng chính là mình đã điều tâm, giúp cho tâm của mình luôn được thanh thản – thanh thản để nhìn nhận sự việc, cuộc sống, con người… một cách thấu đáo hơn, để có chăng, những lần về sau mình không còn va, vấp phải. Trong đạo Phật gọi đó là sự Quán Chiếu – quán chiếu không ngừng, quán chiếu trong từng niệm niệm. Có vậy cái Tâm Chánh Niệm của mình mới luôn được thắp sáng, được khai thông và mới mong có ngày viên mãn.

indoor pond plants
 
Bạn thân mến,

Bạn đã có sẵn tiềm duyên với nhà Phật, vậy bạn hãy ráng vươn mình về phía trước, nơi ấy chính là ánh sáng của đạo Pháp đang chờ đón bạn, có nó bạn sẽ vững tin hơn để dũng mãnh bước vào con đường chánh đạo – con đường mà lâu nay, trong bạn còn thoắt ẩn, thoắt hiện. Phật ở trong lòng. Phật trong Tâm mình mà mình còn không muốn thắp sáng, thử hỏi mình còn thắp sáng được nơi đâu? Mọi chuyện bạn hãy nên xem nhẹ một chút. Có vậy tâm sẽ được thanh thản. Thân-tâm thanh thản, tất trí tuệ sẽ hiện tiền.
Cầu chúc bạn khởi sự một năm mới an lành và hạnh phúc.
Huệ Tâm, 22.01.2010

New Comments