Freitag, 26. Oktober 2012

Nhân Quả Tuần Hoàn - Phần II

 Vollbild anzeigen"Kinh pháp chỉ là phương tiện (con thuyền), còn chúng ta là những người chủ thuyền (chèo lái). Như vậy muốn cập được bờ bến, không còn còn đường nào khác: chúng ta phải làm chủ được phương tiện của mình..."

(Trao đổi Phật Pháp - Tiếp theo)
 
b. Tụng kinh vào lúc nào?

Sở dĩ tôi ví những thời khắc được ngồi trước bàn thờ Phật để tụng kinh là những bữa tiệc, bởi nếu lấy khoảng thời gian trong ngày, rồi chia đều cho mọi việc, tất thời gian để ngồi tụng kinh trong ngày sẽ không có nhiều (nếu không nói: nhiều khi còn bị bỏ trễ). Do vậy, khi đã chọn được cho mình khoảng thời gian thích hợp này, tất mình phải có sự chuẩn bị về tâm lý: Tạm xa lánh toàn bộ với thế giới trần tục, nghĩa là trong lòng không còn mảy may những chuyện hỉ-nộ-ái-ố-tham-sân-si. Làm được việc này khó hay dễ? Theo tôi vô cùng khó, bởi cả ngày, hàng ngày chúng ta tiếp xúc với đủ mọi thứ hay-dở, tốt-xấu, yêu-ghét, thương-hận… rồi đem tất cả những chuyện mà tôi gọi chung là: tham-sân-hận vào trong bộ nhớ. Giờ chỉ trong chốc lát bảo ta phải quên ngay những chuyện đó đi có khác gì thách đố? Như vậy là vô cùng khó. Vì khó nên chúng ta phải luyện tập dần dần. Nghĩa là phải luyện tập gạt bỏ dần dần những tạp niệm diễn ra xung quanh mình, trong tâm-thân-ý của mình. Có như vậy, buổi tụng kinh mới hy vọng đạt kết quả.

Phương pháp nào để Quán Tâm? 

Phương pháp thì có nhiều, nhưng ở đây tôi chỉ nêu ra một vài phương pháp nhỏ để chị tham khảo.

Ví dụ: hàng ngày chị thường ngồi tụng kinh, vậy ta hãy lấy chính những biến kinh mà chị đang, hay muốn tụng làm tiêu điểm. Bằng cách: thả lỏng tâm-thân-ý (thả lỏng trong trạng thái Tỉnh-Thức, chứ không phải để cho hồn bay bổng đây đó, rồi vừa tụng kinh vừa gà gật), kế đó chỉ chú tâm vào việc tụng kinh. Nếu kinh đã nhập tâm, chị có thể nhắm hờ mắt lại, rồi quán tưởng lên bàn thờ Phật, kế đó hình dung hình ảnh của đức Phật (Phật nào cũng được cả) đang hiện ra trước mặt, hoặc đang hiện ra trên đầu mình và các đức Phật đang lắng nghe chị tụng kinh. Những lúc đầu hình ảnh của đức Phật sẽ rất mờ nhạt, hoặc lúc ẩn, lúc hiện, đó là do tâm mình còn đang lộn xộn, trao đảo, hoặc lo âu, hay hoảng loạn… nhưng nếu chú tâm (tĩnh tâm) lại, và tiếp tục quán và tụng, hình ảnh đức Phật sẽ ngày một rõ nét dần… Trong quá trình tụng sẽ có những giây phút tâm mình chợt vẩn vơ những chuyện không đâu, hoặc những chuyện bên ngoài chợt ập đến... Khắc phục bằng cách tiếp tục quán tưởng và tập trung ý niệm để tụng kinh. Tụng kinh có thể tụng thầm hoặc tụng ra khỏi miệng. Tuỳ theo những sinh hoạt trong gia đình mà chị tìm cho mình một cách thức tụng kinh cho thích hợp. Trường hợp Quán Tưởng (hình dung hình ảnh của Phật) không thể thực hiện nổi, chị có thể dùng trực tiếp quyển kinh trước mặt, rồi dùng Ý, chăm chú nhìn vào quyển kinh (lúc này gọi là Quán kinh), nhìn vào những dòng kinh và tụng từng câu kinh một. Lưu ý chị một điều: vì đây là phương pháp quán Tâm, do vậy không cần tụng hay, tụng có vần, có điệu làm gì. Trái lại mỗi một câu kinh phải được tụng từ trong tâm mình tụng ra (tụng từ tâm). Khởi đầu sẽ rất vất vả, vì tâm mình đã quen để cho những vọng động lấn át, rồi mình lại mê mải theo đuổi những vọng động đó, để cho chúng sai khiến, nay mình sẽ phải chế ngự chúng bằng cách vừa quán tưởng, vừa tụng kinh. Khi hình ảnh của Phật hiện rõ nét trước mặt, và lời kinh được tụng ra đều đặn từ trong tâm, tất chị sẽ cảm thấy tâm mình đột nhiên bừng sáng, trước mặt, xung quanh mình cũng bừng sáng trong một khung cảnh hoàn toàn tĩnh lặng – mặc dù xung quanh mình mọi sự vẫn xảy ra (ta vẫn nghe tiếng còi xe, trẻ con kêu, đùa, tiếng rao hàng, tiếng nấu ăn, tiếng mọi người sinh hoạt, trò chuyện trong gia đình…), vì thế nên tôi gọi đó là Sự Tĩnh Lặng Từ Tâm. Nghĩa là: Lặng từ trong Động, và trong Động có Lặng. Khi đạt được cảnh giới đó chị đừng sợ hãi, bởi đó mới là cảnh giới thật của chính mình. Để đạt được quá trình này cần phải có khoảng thời gian nhất định nào đó, tuy nhiên chị cũng đừng quá lo âu hay quá vội vã khi mình chưa tìm hoặc đã đạt được cảnh giới đó, rồi cứ mê mải tìm kiếm bằng được. Giục tốc bất đạt. Chuyện gì cũng cần có sự thử nghiệm và có một quá trình. Quan trọng là chị có thực sự Tỉnh-Ngộ-Giác để cố gắng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho mình một hành trang trước khi ngồi vào bàn tiệc này hay không?


c. Kinh Pháp nào có thể giúp chị tịnh tâm?


Theo như chị nói: chị cùng gia đình hai họ nội-ngoại đều theo đạo Phật, và từ nhỏ chị cũng thường được học, đọc, giáo huấn bằng những kinh pháp… Theo tôi đó là một nền tảng, cái gốc hay còn gọi là cái duyên với Phật, rất đáng trân quý. Tuy nhiên, cái nền tảng đó, vì một lý do nào đó mà chị chưa nhân duyên lên được. Đó là một điều đáng tiếc. Nhân đây tôi cũng muốn trao đổi thêm cùng chị về vấn đề theo đạo Phật và tu đạo Phật.

Người Việt mình, nếu được hỏi, theo đạo (tôn giáo) nào? Tôi nghĩ, sẽ có đến 85%-90% sẽ trả lời không cần đắn đo: Tôi đạo Phật! (hay theo đạo Phật). Đạo Phật nếu nói cho chính xác: gồm có đạo Tu xuất gia và đạo Tu tại gia. Trên cơ bản Tu ở đâu cũng đều phải tuân thủ những nguyên tắc và nền tảng của đạo Phật cả: Quy y Tam Bảo; Trụ trì ngũ giới; Giữ Hạnh từ bi… Do vậy, khi mình nói: tôi đạo Phật (theo đạo Phật) cũng đồng nghĩa việc mình đã ý thức được những việc mình làm: Tu-Hành. Nhưng trên thực tế thì hình như chúng ta mới chỉ đạt được ở việc: tự đồng nghĩa giữa đạo thờ Tổ tiên với việc thờ Phật. Nghĩa là trong nhà nào chúng ta cũng thấy có bàn thờ Phật, thậm chí cả một gian thờ Phật, nhưng thờ Phật để làm gì? Nếu được hỏi, có lẽ trong chúng ta chưa hẳn đã có câu trả lời chính xác. Nói khác đi chúng ta có sự lầm lẫn giữa đạo thờ Tổ tiên và đạo thờ Phật. Thờ Phật không chỉ đơn giản ở việc mình lập một bàn thờ, một gian thờ thật hoành tráng, rồi thỉnh các tượng Phật về bày, đặt cũng thật hoành tráng trong gia thất. Mà thờ Phật ở đây chúng ta phải nhận diện và ý thức rõ một điều: đó là sự Duyên-Giác, từ sự Duyên-Giác này dẫn đến sự khai Ngộ và kế đó là sự tinh tấn Tu-Hành. Muốn làm được những điều đó, theo tôi nghĩ đó là cả một đoạn đường đầy gian nan và thử thách, bởi Tu đạo Phật nó không giống như lối tu của các đạo khác, ví thử như đạo Thiên Chúa, đạo Tin lành – những đạo này chỉ lấy niềm tin làm căn bản. Nghĩa là: anh tin trên cõi đời này có thượng đế là đủ, còn việc anh có phạm lỗi, có làm điều bất thiện hay không, rốt cuộc khi lìa đời anh cũng vẫn được lên cõi thiên đàng… Đạo Phật lại hoàn toàn khác. Trước hết là sự Duyên-Giác, kế đó mới đến khai Ngộ-Quy Y-Quán chiếu-Tinh tấn Tu-Hành. Như vậy để đến được với Phật ta có thể coi là một cái Duyên, nhưng cái duyên ấy phải được nhân lên để trở thành Giác-Ngộ. Rồi từ Giác-Ngộ cho đến tu thành chánh quả là cả một con đường đầy gian nan và khổ hạnh. Chính vì nó gian nan, và khổ hạnh mà người đời chúng ta hiện nay (thời mạt pháp) rất ít người còn (dám) nghĩ tới. Đơn giản là: đời người được là bao? Cuộc đời còn biết bao điều mới lạ ta chưa được, chưa kịp thụ hưởng, thì cớ sao ta lại chọn cho mình một con đường gian khổ như vậy?...v.v Đó chính là nguyên nhân mà người tìm đến cửa Phật ngày một ít đi, và cũng là nguyên nhân mà không ít người trong chúng ta: Tu, nhưng chỉ một nửa thôi. Nghĩa là: có Tu nhưng không có Hành. Một người nguyện tu thân mình đã khó, nhưng lại nguyện thực hiện tất cả những giới luật lại còn khó gấp bội. Đây cũng là lý do mà khi chúng ta nhìn rộng ra thế giới xung quanh, ta mới thấy, hiểu được: người tu-hành thời nay cũng rất hiện đại: Tu phân nửa. Vậy là quá đủ…
Trở lại với việc: Kinh pháp nào có thể giúp cho chị tịnh tâm? Thực tế kinh pháp không thể giúp cho chúng ta tịnh tâm, bởi như tôi đã đề cập: kinh pháp chỉ là phương tiện (con thuyền), còn chúng ta là những người chủ thuyền (chèo lái). Như vậy muốn cập được bờ bến, không còn còn đường nào khác: chúng ta phải làm chủ được phương tiện của mình. Nghĩa là: chúng ta phải thấu ngộ được kinh pháp, từ đó chúng ta mới có thể quán chiếu tâm-thân-ý của mình (làm chủ bản thân). Đơn cử một câu kinh trong Kim Cang Bát Nhã, Phật nói như sau:
Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng Nhược kiến chứ tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. Dịch nghĩa: Ở đời phàm những gì có sắc tướng đều là hư ảo Biết nó là hư ảo thì đừng chấp nhất nó, tất sẽ thấy như lai.

Vấn đề đặt ra ở đây: Sắc là gì? Tại sao Sắc lại có Tướng? Tại sao Sắc-Tướng lại là hư ảo? Tại sao không chấp nó chúng ta sẽ thấy Như Lai? Như vậy một câu kinh nghe rất đơn giản, nhưng trong đó lại hàm chứa rất nhiều điều huyền bí, và nếu như chúng ta không biết khai mở (khám phá) những huyền bí đó, tất chúng ta sẽ mãi mãi rơi vào vô vọng. Chị là người đọc nhiều kinh pháp, do vậy tôi nghĩ cũng không phải bàn luận nhiều làm gì. Ở đây tôi chỉ muốn nói tới một điều: Trong mỗi câu kinh pháp của Phật đều hàm chứa những điều vi diệu cả, những điều này sẽ chỉ trở nên vi diệu khi ta thực sự khai mở được chúng, bằng không, dẫu ta có tụng kinh trăm, ngàn, vạn biến hay vạn pho kinh Phật đi chăng nữa – những thứ đó chỉ là hư ảo (nếu không gọi là dư thừa) mà thôi. Bởi: ta tụng kinh mà không thấu hiểu rõ nghĩa kinh, thì cũng giống việc ta cứ ăn, uống mãi mà không thấy no, và vẫn thấy khát vậy.
Kết lại vấn đề: Muốn tịnh được tâm, bản thân chúng ta phải tự giác ngộ chính mình. Thứ nữa phải chuyên tâm thực hành - thực hành trong từng niệm niệm. Có vậy chúng ta mới hòng thoát ra được sự loạn tâm. Làm sao để biết tâm mình đang loạn mà thực hiện tĩnh tâm? Ví thử ta đang ngồi tụng kinh: thông thường nếu tâm không loạn, thì chỉ một vài biến kinh là ta đã thấy tâm được an nhiên, mọi sự rất trong xanh, tĩnh mịch (mặc dù mọi sinh hoạt xung quanh vẫn diễn ra), nhưng nếu ta ngồi tụng tới cả 15-30 phút mà vẫn thấy đầu óc rối loạn, tâm nặng chĩu… (nghĩ đủ thứ chuyện quay cuồng trong đầu) tất lúc ấy là tâm mình đang rối loạn. Cách khắc chế loạn tâm như thế nào, phần B tôi đã đề cập. Vấn đề quan trọng ở đây là: liệu chị có dũng cảm để nhận diện mình đang bị rơi vào tình trạng loạn tâm để mà bứt ra khỏi tình trạng đó hay không? Hay là chị sẽ để cho những dối loạn đó lôi cuốn, sai khiến rồi đè bẹp chính mình? Nhận diện loạn tâm đã là khó, nhưng tìm biện pháp khắc chế nó và khắc chế có hiệu quả còn khó hơn. Như vậy khó hay dễ không phụ thuộc nơi, chốn, không gian, thời gian… của người tu hành mà phụ thuộc vài chính sự quán chiếu tâm-thân-ý của mỗi chúng ta.
Lục Tổ Huệ Năng đã dạy như sau: "Tà đến thì Chánh độ; Ngu đến thì Trí độ; Mê đến thì Giác độ; Ác đến thì Thiện độ. Độ như vậy gọi là chân độ.
Trong Tà có Chánh, trong Ngu có Trí, trong Mê có Giác, trong Ác có Thiện. Làm thế nào để biết được cảnh giới của tà-chánh; ngu-trí; mê-giác; ác-thiện? điều này phụ thuộc vào sự giác ngộ của mỗi chúng ta.
Phàm phu tức Phật cũng có nghĩa là vậy.
Chúc chị cùng gia đình sớm ngày an lạc.
18.04.2012 - Huệ Tâm

New Comments