Mittwoch, 17. Oktober 2012

Phật Cho Ta Những Gì? - Phần IV

"Nếu không tin, bạn hãy thử đưa một khoản tiền lớn cho một người không có duyên phước ấy, tất số tiền bạn đưa, chẳng mấy chốc sẽ tan biến tất cả…"

(Tiếp theo và hết)

Quán chiếu theo lời Phật dạy: Vậy là người nọ không hề theo Phật, mà cũng không hề thờ Phật. Bởi một người theo Phật, thờ Phật trước hết phải hiểu rõ: Phật là ai? Phật có thể giúp ta những gì? Từ chỗ thiếu sự tìm hiểu thấu đáo về Phật và chân lý giáo dục của Phật mà người nọ đã mang tâm tìm cầu một cuộc sống vương giả từ nơi Đức Phật. Chính vì vậy, cuộc sống làm ăn của người nọ đã giống như một ván bài: Đỏ-Đen! Đỏ nếu như Phật gia hộ mọi chuyện mong cầu của mình (Có lẽ đây cũng là lý do khiến người nọ đặt mọi sự tính toán làm ăn của mình lên vai của Đức Phật: nghĩa là tất thảy mọi chuyện đã có đấng Thế Tôn lo lắng, ta cứ thả giàn làm theo những mong muốn, ước cầu, thị hiếu của bản thân…); và Đen nếu như Phật chỉ hưởng dụng đồ ta cúng dường, rồi quên đi lòng, tâm ta cầu vọng. Thực tế cái kết quả của sự khuynh gia bại sản nói trên không phải Phật đã lấy đi của người nọ tất cả. Nói vậy là vọng tâm, là tà kiến, bởi Phật đâu có lấy của ai điều gì và cũng đâu có hứa sẽ độ cho ai điều gì? Nếu Phật có thể độ cho tất thảy chúng-sanh, thì Phật đâu cần phải bỏ ra 49 năm ròng rã, gian truân để hoằng pháp, và cũng đâu cần phải để lại hơn 8000 pháp môn để cho chúng sanh thời mạt pháp này tu hành. Hơn thế Phật vốn không hề hưởng dụng những thứ đồ mà chúng sanh cúng dường. Thực ra việc chúng-sanh phát tâm cúng dường chư Phật chính là hành vi thức tỉnh, tạo phước cho chính bản thân mình. Cái phước báu ấy rồi cũng lại chính mình được thừa hưởng chứ không ngoài ai khác. Bởi cảnh giới của Phật đã vượt ra ngoài cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác, và Bồ-tát, nghĩa là cảnh giới của niệm-thức. Một niệm cần ăn-uống-mặc… khởi lên ngay tức thì niệm ấy liền được thoả mãn. Vậy thì hà cớ gì Phật lại đi lấy tất cả gia sản, sự nghiệp, nhơn mạng… của chúng sanh?

Người phàm phu nói như vậy kể như còn chấp nhận và lượng thứ được, nhưng người tự cho mình thờ Phật, theo Phật mà nói vậy sẽ bị đọa vào a tỳ địa ngục, đoạ vào tam đồ, ác giới tức thì. Cảnh giới này dĩ nhiên nó sẽ không đến tức thì, nhưng nó sẽ đeo đuổi người nọ (hoặc bất cứ ai) cho đến ngày mạng chung. Khi thần thức sắp sửa lìa thân sẽ là lúc cảnh giới của a tỳ địa ngục, tam đồ ác giới sẽ xuất hiện. Tâm tịnh – cõi Phật tịnh. Người có tâm Phật, tất lúc mạng chung cảnh Phật sẽ hiện tiền, ngược lại, cảnh giới của Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc-sanh sẽ liền ập tới. Ai dám chắc người ấy (những người như thế) sẽ được sanh vào cõi lành? Chính vì vậy Phật mới nói: "Chúng sanh là chủ nhân, là thừa tự của nghiệp". Người tạo nghiệp bất thiện, tất khi mạng chung sẽ phải đoạ Tam đồ ác giới. Từ thân người, nhưng không khéo tu, lại có tâm tà kiến, ác trược… để rồi lúc mạng chung bị đọa vào cảnh giới của Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc-sanh vậy không phải chúng sanh ấy chính là chủ nhân, là thừa tự của nghiệp đó sao?
Vậy còn: "Nghiệp là điểm tựa, là thai tạng, là quyến thuộc, và nghiệp sẽ phân chia chúng sanh thành kẻ hạ liệt hay cao sang".
Như trên đã nói: Tâm tịnh – Cõi Phật tịnh. Người tu nhân lành ắt sẽ gặp quả lành. Người có tâm bất thiện tất sẽ gặp những quả báo bất thiện. Đó là chân lý không hai. Vì vậy Phật đã chỉ ra rằng:

- Nếu có thiện nam, tín nữ nào chuyên hành sát sanh với bàn tay đẫm máu, khi mạng chung sẽ bị đoạ vào a tỳ địa ngục, nhẹ hơn, nếu làm người sẽ chịu mạng yểu. Ngược lại người nào có lòng từ, bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, kiếp sau sẽ được trường thọ.
- Nếu có ai làm tổn hại đến các loài hữu tình (dùng đất, đá, dao, gậy…) khi mạng chung sẽ sanh vào địa ngục, giả nếu làm người sẽ mang đầy bệnh hoạn.
- Nếu có thiện nam, tín nữ hay cáu gắt, nổi giận, cố chấp… khi mạng chung sẽ sanh vào địa ngục, hoặc nếu làm người sẽ trở nên xấu xí vì luôn phẫn nộ.
- Nếu hay bố thí, cúng dường – có nhân duyên nhiều đời = mạng chung sẽ sanh cõi trời, nếu làm người sẽ giàu sang phú quí. Ngược lại sẽ nghèo hèn cả kiếp.
- Người hay ganh ghét, đố kỵ… không đoạ địa ngục, sanh làm người sẽ không có quyền thế, ngược lại sẽ có quyền thế cao, nhiều.
- Nếu có ai kiêu căng, ngạo mạn, không cung kính… sau khi mạng chung sẽ đoạ địa ngục, nếu làm người sẽ sinh vào nhà hà tiện, thấp kém… ngược lại sinh vào cõi trời, hay nhà phú quý.
- Tại sao lại có người thông minh, có người ngu độn? Nếu thiện nam, tín nữ không chịu thăm viếng thiện trí thức, sau khi mạng chung, đi vào địa ngục, nếu làm người sẽ là người ngu tối, trì độn. Ngược lại sẽ thông minh, trí tuệ hơn người…

Quán chiếu những điều Phật dạy nói trên ta có thể thấy nguyên nhân của sự thân bại, danh liệt của người kể trên vốn là sự tích tụ duyên nghiệp chẳng lành từ vô thỉ, vô lượng vô biên kiếp, nói cận gần nhất là trong kiếp quá khứ do không chịu gieo nhân lành, không chịu thực hành hạnh bố thí, cúng dường… nên kiếp hiện tại mới phải gánh chịu những quá báo nghiệt ngã như vậy.
Nghiệp chính là „điểm tựa, là thai tạng, là quyến thuộc và nghiệp sẽ phân chia chúng sanh thành kẻ hạ liệt hay cao sang" cũng hàm nghĩa như vậy.



Phật nói: Thế gian có 4 hạng người:

1. Từ tối đi vào tối
2. Từ tối ra sáng
3. Từ sáng vào tối
4. Từ sáng ra sáng


Câu chuyện của người nêu trên chỉ cần quán chiếu sơ qua chúng ta cũng thấy người đó là người: đang đi từ tối vào tối. Nghĩa là một quá khứ không gieo nhân lành, không làm việc thiện, không thực hành hạnh bố thí, cúng dường, rồi kiếp hiện tại cũng tương tự, chỉ mong cầu một cuộc sống vương giả… - Đó là con đường tối. Mặc dù đã khởi duyên để đến với cửa Phật, nhưng vốn dĩ nghiệp xưa còn quá sâu dày, vì vậy Phật tính vẫn hoàn toàn bị các nghiệp bất thiện xưa che lấp, dẫn dắt, từ đó dẫn tới vô minh. Nghĩa là tâm cầu Phật nhưng lòng còn hoài nghi, còn thị phi, còn nhân-ngã, còn so đo thiệt-lợi, hơn-thua… và kết quả, như chúng ta thấy, thật là thương thảm…

Phật có thể giúp chúng ta làm giàu?


Câu trả lời: Có! Bởi như phần trên đã đề cập. Phật chỉ ra rằng: - Nếu có thiện nam, thiện nữ nhân nào chuyên hành hạnh bố thí, trì giới, cúng dường… các nhân ấy gieo trong nhiều đời, nhiều kiếp, tất khi mạng chung sẽ sanh cõi trời, nếu làm người sẽ được giàu sang phú quí. Ngược lại sẽ nghèo hèn cả kiếp. Trong kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Người Buôn Bán Đức Phật còn dạy các Tỷ kheo như sau:

- Thành tựu với ba chi phần, này các Tỷ-kheo, người buôn bán không bao lâu đạt được về tài sản lớn mạnh và rộng lớn. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người buôn bán có mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán biết các thương phẩm. Vật này mua như vậy, bán như vậy, sẽ đưa lại tiền như vậy, tiền lời như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán có mắt.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán khéo phấn đấu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người thương gia khéo léo mua và bán các thương phẩm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán khéo phấn đấu. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người thương gia xây dựng được căn bản? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán được các gia chủ hay con các gia chủ, được các nhà giàu, có tiền bạc lớn, có tài sản lớn biết đến như sau: "Người buôn bán này là người có mắt, khéo phấn đấu, có đủ sức cấp dưỡng vợ con, và thường trả tiền lời cho chúng ta. Chúng ta trao hàng hóa cho người này: "Này bạn thương gia, hãy lấy tiền này, xây dựng tài sản để nuôi dưỡng vợ con và thường thường trả tiền lời cho chúng tôi". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán xây dựng được cơ bản.
Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ kheo, người buôn bán, không bao lâu đạt đến tài sản lớn mạnh và rộng lớn.

Qua câu chuyện của Đức Phật nêu trên, chúng ta thấy Đức Phật đã dạy cho chúng ta một các làm giàu hết sức hợp tình, hợp lý, và phải dựa trên ba yếu tố cơ bản: Phải dùng con mắt của mình; phải khéo phấn đấu; và phải xây dựng được căn bản. Quán chiếu ra ngoài đời, hầu như nếu ai đi chệch quỹ đạo nói trên, tất thảy đều phải đi đến đổ vỡ, thất bại, hoặc đi đến bờ vực thẳm.

Trong các bài thuyết pháp của Lão Pháp sư Tịnh Không, Ngài cũng thường nói: Tất cả những tiền của mà chúng ta đang có vốn không phải của chúng ta, cũng không phải do chúng ta tự có được, mà nó chính là những nhân lành, phước báu mà chúng ta đã tạo dựng từ vô lượng vô biên kiếp tới nay mà có. Đó chính là cái Quả từ những Nhân lành mà chúng ta đã gieo trồng. Ngài ví dụ: Nếu không tin, bạn hãy thử đưa một khoản tiền lớn cho một người không có duyên phước ấy, tất số tiền bạn đưa, chẳng mấy chốc sẽ tan biến tất cả…

Lời kết

Như vậy Phật cho ta những gì? Không gì khác: Ngoài một di sản Chánh Pháp vô cùng tận, trong đó Ngài dạy chúng ta cách làm Người, làm Phật.
Sẽ có người bảo: Thời nay, để làm người Chân-Thiện-Mỹ đã thuộc vào hàng quí hiếm, chứ làm Phật thì không chừng thành viển vông? Sở dĩ những kẻ phàm phu như chúng ta vốn luôn nghĩ để được làm Phật, thành Phật là những chuyện tầm phào, cổ tích, viển vông… là do tâm của chúng ta chỉ hướng tìm Phật ở một cõi vô hình nào đó, nơi ấy chúng ta chỉ đọc trong sử, sách hay những giấc mơ… Thực tế không phải vậy. Phật nói: Hết thảy chúng sanh vốn sẵn có trí huệ, đức tướng Như Lai. Chỉ do mê chân theo vọng, quay lưng với Giác, xuôi theo trần lao, nên toàn thể chuyển thành phiền não, ác nghiệp.
Như vậy muốn làm Phật, thành Phật chỉ còn giải pháp duy nhất: chúng ta phải kiên quyết bỏ Mê, theo Giác, bỏ Ác, theo Thiện. Một niệm Thiện tức Quán Thế Âm; một niệm Trí tức Đại Thế Chí. Vậy hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng niệm niệm chúng ta chỉ cần quán chiếu để luôn khởi niệm Thiện, niệm Trí tất những niệm ấy đồng với niệm của Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Như thế để làm Phật, làm Bồ Tát đâu phải khó khăn? Nói thì dễ, nhưng hành thì quả khó vô cùng. Cái khó nhất của chúng ta là vẫn chưa nhất tâm dứt được tâm tham đắm, mong cầu, ái dục. Ngày nào, giờ nào, niệm nào chúng ta còn tơ tưởng đến những ái dục trần tục đó, tất chúng ta khó có thể trở thành Phật.
Tâm này là Phật, tâm này làm Phật. Một khi tâm của chúng ta không muốn làm Phật, không muốn thành Phật thì ai có thể giúp chúng ta trở thành Phật?

Phật-Chúng-sanh tánh thường rỗng lặng!
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế Châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.

Mỗi chúng ta hãy cùng trở về quy y vị Phật tâm của chính mình, từ nơi ấy hãy để cho ánh sáng hào quang của Phật pháp luôn luôn toả sáng. Ngày ngày toả sáng, giờ giờ toả sáng, niệm niệm toả sáng... để một ngày kia khi tâm của chúng ta hoàn toàn Tịnh-Giác, chúng ta sẽ ngộ ra rằng: Ta và Phật khoảng cách vốn không xa…
Trước mùa Vu lan 2011
Huệ Tâm

New Comments